Chính phủ cần tập trung đưa ra chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn. (Ảnh minh họa)
Tại Hội thảo "Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế" tổ chức ngày 16/5, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, tính đến thời điểm này, mức tiêu thụ xăng dầu vào khoảng 16 triệu m3 tấn, sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 40%, còn lại phải NK.
Nếu NMLD Nghi Sơn đi vào hoạt động thương mại thì khả năng cân đối đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu Việt Nam đã hội nhập sâu với thị trường khu vực và thế giới, vì vậy, yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xăng dầu trong nước là yêu cầu hàng đầu, quyết định sự tồn tại, phát triển của công nghiệp hóa dầu và thị trường xăng dầu Việt Nam.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhìn nhận, mục tiêu thị trường hóa cơ chế xăng dầu đã bắt đầu vào những trước đó, khi nước ta đang tiến hành đàm phán gia nhập WTO và chuẩn bị đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương như FTA, ASEAN…
Đến nay, thị trường xăng dầu nước ta đã trải qua 4 quyết định, nghị định của Chính phủ để vận hành (Quyết định 187/2003, Nghị định 5/2017, Nghị định 84/2009, Nghị định 83/2014).
Thị trường xăng dầu hiện nay đang vận hành theo Nghị định 83 của Chính phủ, mục tiêu là đưa hoạt động xăng dầu theo cơ chế thị trường đầy đủ, khuyến khích DN kinh doanh xăng đầu theo Hiến pháp 2013. Nghị định 83 đã có những quy định tiếp cận tốt hơn về các thành phần kinh tế được tham gia các đầu mối xuất NK.
Năm 2015 - 2016, giá dầu thô thế giới biến động không lớn. Vì vậy, Nghị định 83 đã làm cho thị trường xăng dầu ổn định, nguồn cung đảm bảo, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo 3 lợi ích: Lợi ích nhà nước thông qua các sắc thuế, lợi ích DN và của người tiêu dùng.
Một vấn đề hiện hữu đó là các cơ quan hoạch định chính sách, tài chính đang phải xử lý phần hụt thu ngân sách trong lộ trình giảm thuế NK xăng dầu.
Theo ông Phan Thế Ruệ, có rất nhiều vấn đề đặt ra, cần giải quyết trước yêu cầu hội nhập. Trước hết, Chính phủ cần tập trung đưa ra chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn, ít nhất 2018 - 2025 hoặc đến năm 2030, trong đó cần có những quyết sách quan trọng như có mở cửa thị trường xăng dầu sớm hơn cam kết hay không (WTO, các FTA)…
"Kinh nghiệm thị trường bán lẻ Việt Nam, khi gia nhập WTO, chúng ta đã cam kết một số mặt hàng có thời hạn mở cửa, nhưng chưa đến thời hạn thì các DN FDI liên kết với DN Việt Nam đã thực hiện những yếu tố mở cửa thị trường, với mặt hàng gạo, đường…", ông Ruệ cho biết.
Để bảo vệ sản xuất trong nước, rất cần có những rào cản kỹ thuật hoặc rào cản WTO không cấm. Nước ta đã ký kết nhiều FTA đa phương và song phương, tuy không có cam kết mở cửa thị trường về cơ chế chính sách, nhưng dòng thuế NK đã giảm sâu và mức độ giảm khác nhau giữa các đối tác, đặc biệt nhất là ASEAN giảm thuế NK xăng xuống 20%, dầu 0%; FTA Việt Nam - Hàn Quốc thuế NK xăng xuống 10%, dầu 5%. Việc đi đến loại trừ các dòng thuế NK là nội dung cơ bản của mở cửa thị trường.
Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và phân phối xăng dầu. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã bán 8,9% cổ phần cho FDI, liên doanh đầu tư NMLD Nghi Sơn với số vốn đến 75%. Hầu hết các đầu mối xăng dầu đang tiến hành cổ phần hóa DN - điều kiện để DN FDI thông qua đầu tư cổ phần để tham gia thị trường hợp pháp như lĩnh vực bán buôn, bán lẻ thời gian qua. Đây là sức ép mở cửa và thể chế để xây dựng thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường cạnh tranh.
Theo vị Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, trước mắt, cần điều chỉnh, bổ sung Nghị định 83 cho phù hợp với thực trạng hiện nay như quy định cơ chế có DN FDI, lộ trình thực hiện đưa xăng E5, Euro 3, Euro 4 vào năm 2018; có biện pháp tháo gỡ vướng mắc cơ chế cho NMLD Bình Sơn, Nghi Sơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Dung Quất, Nghi Sơn cho những năm trước mắt và cho ngành công nghiệp hóa dầu nước ta bước vào sân chơi chung của khu vực và thế giới.
Năm 2018, cần xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế NK theo cam kết quốc tế, đồng thời xử lý hài hòa 3 lợi ích (Nhà nước, DN và người tiêu dùng).
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ quan điểm, thị trường xăng dầu hiện thiếu tính cạnh tranh, các công ty xăng dầu chỉ có một giá thống nhất là không phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước cần thường xuyên điều chỉnh chính sách cho phù hợp, bình quân 3 - 4 năm cho một quyết định. Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường về giá cả. Quỹ Bình ổn giá cũng cần được xem xét một cách cầu thị từ thực tế…
Thái Bình