Dán tem niêm phong tại cột bơm xăng dầu: Mới giải quyết

46 tỉnh hoàn thành dán tem…

Giải pháp dán tem niêm phong đồng hồ tổng đo đếm lượng xăng dầu tiêu thụ tại từng cột xăng của các cửa hàng xăng dầu, đang áp dụng hiệu quả tại Nghệ An, Lâm Đồng đã được Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế nhân rộng áp dụng trong phạm vi toàn quốc.

Tính đến ngày 30/3/2017, đã có 46 tỉnh, thành phố hoàn thành việc dán tem tại các cột bơm xăng dầu trên địa bàn tỉnh và 2 tỉnh đang triển khai dán tem (Đắk Nông, An Giang). Theo đó, hơn 10.000 điểm cửa hàng tương ứng với khoảng 30.121 trụ xăng được dán. Có 10 tỉnh, thành đang lên kế hoạch triển khai thực hiện dán tem và 5 tỉnh, thành chưa tham gia hưởng ứng. Tổng cục Thuế kỳ vọng, trong tháng 4 này sẽ cơ bản hoàn thành dán tem trên toàn quốc.

Qua khảo sát và làm việc trực tiếp với các DN kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn, nhiều cây xăng như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Saigon Petrol…, các DN này rất ủng hộ giải pháp dán tem. Thực tế cho thấy, việc dán tem không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng, công ty kinh doanh xăng dầu.

Theo Tổng cục Thuế, sau thời điểm dán tem, sản lượng xăng dầu tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường ở nhiều tỉnh, thành đã tăng lên rõ rệt so với trước thời điểm dán tem. Điển hình như Quảng Ninh (15%), Nghệ An (20%), Thái Bình (14%), Lâm Đồng (10%), Bình Định (14%)…

Để hoàn thiện đề án dán tem xăng dầu, tới đây, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo các cục thuế sớm hoàn thành việc tham mưu cho chính quyền tỉnh phê duyệt đề án dán tem theo từng địa phương và hoàn thành việc dán tem. Đồng thời, chuẩn hóa và đồng bộ các tiêu chí đánh giá để phản ánh khách quan, chính xác kết quả do công tác dán tem mang lại; sớm thực hiện sơ kết, đánh giá việc dán tem trên phạm vi toàn quốc để khắc phục những tồn tại, hoàn thiện đề án dán tem.

Giải pháp tạm thời

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc kiểm soát hành vi gian luận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là rất khó khăn.

Ông Phụng nêu dẫn chứng: “Xăng dầu vận chuyển bằng phương tiện trên đường, ngành thuế không có chức năng dừng xe, vì thế, không thể kiểm soát hành vi lấy cắp xăng dầu của DN. Có trường hợp như hành vi gian lận trong việc hợp thức hóa hóa đơn bằng cách dồn lượng xăng của những người không lấy hóa đơn để viết hóa đơn”...

Do đó, theo ông Phụng, giải pháp trước mắt có thể làm là quản lý khâu đầu bán xăng và thanh kiểm tra kỹ các đơn vị sử dụng xăng.

“Chưa thể khẳng định sản lượng xăng dầu bán ra tăng do việc dán tem, vì còn tùy thuộc vào sự thay đổi của nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu dự trữ. Nhưng trước mắt, giải pháp dán tem các cột bơm xăng góp phần kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ gian lận khi kê khai số lượng bán ra, cũng như doanh thu dẫn tới kê khai sai thuế làm thất thu cho NSNN. Việc dán tem sẽ gián tiếp hạn chế gian lận hóa đơn của những người không có nhu cầu sử dụng”, ông Phụng nói.

Do đó, theo Tổng cục Thuế, xét trên bình diện tổng thể thì đây là một giải pháp hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục triển khai mạnh trong vài năm tới. Về lâu dài, cần thiết phải nghiên cứu áp dụng các ứng dụng khoa học - công nghệ đầu tư hệ thống, thiết bị và chuẩn bị cơ sở pháp lý để áp dụng hóa đơn điện tử đến tất cả các cửa hàng, chi nhánh, công ty kinh doanh xăng dầu và thực hiện kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế.

Trong điều kiện hiện nay, theo Tổng cục Thuế, chưa thể làm được. Điển hình như Tổng công ty Xăng dầu là DN lớn nhất, cũng gặp khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, cho nên dán tem chỉ là giải pháp tạm thời, phù hợp với bối cảnh và điều kiện hiện có…

Đức Thế