Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đây, công ty bà Vy đã hoàn tất đăng ký ngành, nghề kinh doanh đối với hoạt động đại lý ô tô như sau:

- Tên ngành, nghề kinh doanh: Đại lý ô tô và xe có động cơ khác; chi tiết: Dịch vụ đại lý hoa hồng (CPC 61111);

- Mã ngành: 4513.

Hiện tại, công ty có nhu cầu bổ sung hoạt động kinh doanh môi giới ô tô loại đã qua sử dụng. Cụ thể, hoạt động kinh doanh thực tế của công ty là trung gian cho các nhà cung cấp, các cá nhân, doanh nghiệp cung cấp ô tô đã qua sử dụng (nhà cung cấp) và các cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua ô tô đã qua sử dụng (khách hàng).

Theo đó, công ty giới thiệu khách hàng cho nhà cung cấp tương ứng với yêu cầu của khách hàng và/hoặc ngược lại. Khi các bên giao dịch thành công, công ty sẽ được hưởng hoa hồng cho việc giới thiệu này.

Với nhu cầu hoạt động kinh doanh thực tế của công ty như trên và đối chiếu với Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, công ty nhận thấy việc đăng ký hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng vào ngành, nghề kinh doanh với mã VSIC 4513 là phù hợp.

Do đó, công ty đã thực hiện đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh như sau:

- Tên ngành, nghề kinh doanh được sửa đổi chi tiết: Đại lý ô tô và xe có động cơ khác; chi tiết: Dịch vụ đại lý hoa hồng (CPC 61111), hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng;

- Mã ngành: 4513.

Tuy nhiên, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu công ty sửa đổi, bổ sung hồ sơ như sau:

"Phòng Đăng ký kinh doanh đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh chi tiết ngành nghề kinh doanh dự định bổ sung "Hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng" vào mã ngành 7490 (Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu) với chi tiết như sau: Chi tiết: Hoạt động môi giới thương mại".

Bà Vy hỏi, với mục tiêu hoạt động môi giới ô tô loại đã qua sử dụng đã đề cập trên, thì công ty đăng ký ngành, nghề kinh doanh với mã VSIC nào thì phù hợp?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Do vậy, trường hợp doanh nghiệp có vướng mắc về việc xác định ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp liên hệ với Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn, giải đáp.

Trường hợp ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới theo quy định tại khoản 5, Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

TheoChinhphu.vn