Tại kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, Quốc hội đã tiến hành kiện toàn các chức danh cán bộ cao cấp của Nhà nước. Cùng với đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng kiện toàn các chức danh về Đảng đối với một số cán bộ cấp cao. Đây là công việc bình thường để bảo đảm cho quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước được kịp thời, thông suốt. Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội cho rằng: Nhà nước phải có một bộ máy hoàn chỉnh để làm việc. Và muốn có một bộ máy hoàn chỉnh làm việc thì phải tuân thủ một đường lối rất nhất quán của Đảng, đó là Đảng phải trong sạch và vững mạnh.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chúc mừng Đại tướng Tô Lâm trong Lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chúc mừng Đại tướng Tô Lâm trong Lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Thưa Tiến sỹ, vừa qua Quốc hội đã kiện toàn những chức danh lãnh đạo cao cấp của Nhà nước. Theo ông, việc kiện toàn nhân sự kịp thời của Quốc hội có ý nghĩa như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức: Đây có thể nói là một cố gắng rất tốt nhưng đồng thời cũng là thực hiện đúng theo chức năng và nhiệm vụ của Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, có quyền quyết định những việc lớn, hệ trọng của quốc gia, đặc biệt trong vấn đề nhân sự. Chỉ có Quốc hội bầu mới có Chủ tịch nước, mới có Thủ tướng, mới có các vị trí lãnh đạo quan trọng của Quốc hội và các bộ, ngành…

Vậy thì Quốc hội phải họp, thậm chí nếu cần thiết vẫn phải họp bất thường, để đảm bảo việc kiện toàn bộ máy của Nhà nước. Tôi cho rằng, Quốc hội đã làm tốt việc đó trong thời gian qua, trong những điều kiện khá đặc biệt của đất nước.

Như vậy là việc thay đổi nhân sự của Đảng đã tiến hành đúng với phương châm, cán bộ “có vào, có ra, có lên, có xuống”, chứ không phải là bất biến, thưa Tiến sỹ?

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức: Tôi nghĩ là như vậy, bây giờ Đảng ta cũng như là đất nước ta đang nỗ lực quyết tâm xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cho nên tất cả phải thượng tôn pháp luật, không có một vùng nào là "vùng cấm", cũng không có vùng nào là vùng đặc biệt, không có ai đứng trên pháp luật. Vậy thì việc vào hay ra, lên hay xuống đều tuân thủ về luật pháp và ý chí của Nhân dân. Cho nên, việc Quốc hội với chức năng, nhiệm vụ của mình như thế thì phải kiện toàn hoặc bãi miễn là để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách cho đất nước phát triển.

TS Nguyễn Viết Chức
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức.

Theo Tiến sỹ, chúng ta đang xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vì thế mà việc xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật dù là cán bộ cấp cao thì là công việc bình thường theo luật pháp?

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức: Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, là người dân Việt Nam, chúng ta có đau xót không khi nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật như vậy? Tôi nghĩ là có đau xót chứ. Bởi vì sao? Những cán bộ của chúng ta đã có một thời kỳ, đã có một quá trình phấn đấu rất tốt, nhưng rất tiếc lại bị sa ngã. Có thể nói là tiếc lắm chứ. Bây giờ đào tạo được một đội ngũ cán bộ mà lên tới cấp cao như thế không phải dễ, biết bao nhiêu người phấn đấu, trải qua biết bao nhiêu quá trình nên không phải là dễ.

Bây giờ bị kỷ luật, bị xử lý kỷ luật thì cũng đáng tiếc chứ. Nhưng ngược lại, không có cách nào khác, đau xót, đáng tiếc nhưng vẫn phải xử lý. Chúng ta đã đưa ra một mục tiêu rất là rõ, đưa ra một đường lối rất rõ là không có ai đứng trên pháp luật, không có ai nằm ngoài pháp luật. Tất cả đều phải thượng tôn pháp luật.

Rõ ràng là kỷ luật cán bộ là điều chúng ta không mong muốn nhưng để làm trong sạch bộ máy, trong sạch tổ chức thì chúng ta cần thiết phải làm, vì nếu không làm nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cầm quyền và sức lãnh đạo của Đảng, thưa Tiến sỹ?

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức: Đúng là việc cực chẳng đã. Có thể nói là như vậy. Thế nhưng mà không làm không được, vì họ vi phạm. Rõ ràng, "những viên đạn bọc đường" làm ảnh hưởng đến cả hệ thống của chúng ta. Tôi cho việc xử lý như vậy là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên. Suy cho cùng thì Nhà nước phải có một bộ máy hoàn chỉnh để làm việc. Và muốn có một bộ máy hoàn chỉnh làm việc thì phải tuân thủ một đường lối rất nhất quán của Đảng, đó là Đảng phải trong sạch và vững mạnh.

Ảnh
Đảng phải trong sạch để nêu gương cho mọi tổ chức khác trong hệ thống. Ảnh tạp chí Xây dựng Đảng.

Đảng không trong sạch vững mạnh thì làm sao mà lãnh đạo được đất nước và toàn xã hội. Đảng đã nhận trách nhiệm lãnh đạo đất nước và toàn xã hội, nhận trách nhiệm là luôn luôn đứng về phía Nhân dân, vì vận mệnh của dân tộc thì Đảng phải trong sạch, vững mạnh, Đảng phải thật sự là một tổ chức nêu gương cho tất cả mọi tổ chức khác trong hệ thống. Có như thế thì mới mạnh mẽ được, có như thế thì mới hoàn thành được những mục tiêu, những khát vọng. Cho nên, những cá nhân tổ chức vi phạm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng thì chúng ta phải xử lý thôi.

Chúng ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, tất nhiên là sẽ khó tránh khỏi những thiếu sót, nhưng điều quan trọng là qua từng bước, chúng ta sẽ đúc rút ra những bài học kinh nghiệm để mà làm tốt hơn nữa, nhất là trong công tác xây dựng Đảng phải không, thưa Tiến sỹ?

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức: Đúng thế, con đường cách mạng không có con đường thẳng, tuyệt đối không có, mà nó là có những khúc quanh co, có những khó khăn, có những gian khổ. Nó đòi hỏi tất cả chúng ta, mỗi người chúng ta phải có bản lĩnh, phải tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày. Ở đây tôi muốn nói rằng là về phía chúng ta, phải luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng, không để xảy ra những việc như vừa rồi. Vì xảy ra những việc như thế, rõ ràng là không có lợi. Nó là cái cớ để cho những kẻ thiếu thiện chí chống đối, chống phá chúng ta.

Trân trọngcám ơn Tiến sỹ!  

Theo VOV.vn