Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN để lấy ý kiến công chúng.
Theo dự thảo nghị định, bên cạnh những thu nhập chính phải chịu thuế TNDN như hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ… còn có nhiều thu nhập khác của DN cũng thuộc diện chịu thuế. Trong đó, dự thảo thông tư cũng đưa thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ, chênh lệch tỉ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính, khoản chênh lệch tỉ giá hối đoái phát sinh trong kỳ... vào diện phải nộp thuế TNDN.
Thông tin này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ phía cộng đồng DN. Theo ông Trần Phú, giám đốc Công ty Xuất nhập Khẩu HPT thì, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, đề xuất này có phần vô lý bởi lẽ, tiền gửi ngân hàng là tiền của DN làm ra, là quyền và lợi ích của DN. Các khoản tiền gửi của các DN sản xuất chủ yếu là các khoản lợi nhuận mà họ kiếm được và những khoản tiền đó DN đã phải nộp nhiều khoản thuế, trong đó có cả thuế TNDN.
Còn ông Nguyễn Trung Thực, giám đốc Công ty CP Công nghệ thông tin thì cho rằng, đề xuất này có thể đúng trong một số trường hợp như, DN vay được nguồn vốn tài trợ từ các khoản tài trợ như ODA, hay do DN khác đầu tư... với lãi suất rất thấp nhưng DN đó lại không đem tiền vào lưu thông mà gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để hưởng chênh lệch lãi suất, thì các khoản tiền này nên được đánh thuế và đánh thuế cao.
Cũng theo ông Thực: “Nếu thực hiện đánh thuế lãi tiền gửi, thì nên bỏ đánh thuế TNDN. Còn nếu không, cơ quan quản lý cần có sự phân biệt các loại tiền gửi, phân loại DN để đánh thuế. Khi đó, các giải pháp đề ra mới có được sự đồng thuận cao nhất”.
TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, đề xuất đánh thuế tiền gửi DN đã được cơ quan quản lý bàn thảo nhiều lần nhưng chưa đi đến quyết định, vì vậy, với đề xuất của Bộ Tài chính cần có những nghiên cứu, phân tích sâu sắc trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
“Đề xuất đánh thuế này của Bộ Tài chính được đưa ra nhằm mục đích hướng dòng tiền của DN vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để dòng tiền DN đổ vào sản xuất kinh doanh có rất nhiều cách như giảm lãi suất tiết kiệm, lãi suất cho vay, tìm các giải pháp tăng tổng cầu... chứ không nhất thiết phải đánh thuế”, ông Kiêm đề xuất.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2013, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng đã đề xuất đánh thuế thu nhập đối với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng nhằm hướng dòng tiền này vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ngay sau đó, đề xuất này đã chịu hàng loạt chỉ trích của dư luận, người dân và giới chuyên môn vì cho rằng điều này hết sức bất hợp lý, ích kỷ, thiếu hiểu biết, thậm chí thiếu đạo đức. Ít lâu sau đó, đề xuất này đã bị nhiều người quên lãng.
Hà Bích