UBND TP. Cần Thơ đề xuất đơn vị soạn thảo nghiên cứu và mở rộng cơ sở thuế, theo hướng chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm có quy mô nhỏ và xem xét áp dụng thuế đối với các hộ gia đình thu nhập cao.

Lý do UBND TP. Cần Thơ đưa ra đề xuất trên với mục đích mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách. Bởi theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, được miễn thuế.
Trước đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm của UBND TP. Cần Thơ, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho biết, từ hơn 10 năm trước đã có một số ý kiến đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với các khoản lãi tiết kiệm của cá nhân. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó bị bác bỏ. Cá nhân ông bày tỏ sự ngạc nhiên khi một lần nữa đề xuất này gần đây được xới lại.
“Năm 2011 cũng đã có một số ý kiến đề xuất đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân tại ngân hàng. Chúng tôi cũng đã có phản hồi thực tế việc này là chưa cần thiết và cũng không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo Tiến sỹ Thịnh, có nhiều lý do không nên đánh thuế thu nhập cá nhân từ tiền lãi do ngân hàng trả cho người gửi tiền. Thứ nhất, lãi suất tiền gửi ngân hàng đang rất thấp. Nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng vào ngân hàng, mỗi năm người gửi sẽ nhận được khoảng 6 triệu đồng tiền lãi. Với mức lãi suất như vậy, nguồn thu thuế từ lãi tiền gửi không quá lớn.

Thứ hai, để có được 100 triệu đồng gửi ngân hàng, người dân đã phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Với số tiền tích luỹ được để gửi vào ngân hàng như hiện nay, nếu tính đến yếu tố lạm phát, số tiền lãi nhận được của người gửi thực chất không còn được bao nhiêu.
“Tiền của dân mang đi gửi tiết kiệm là tiền họ kiếm được sau khi đã đóng rất nhiều loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… Sau khi gửi, thu được lợi nhuận dựa vào lãi suất. Mặc dù gửi tiết kiệm cũng là một hình thức đầu tư, có lợi nhuận thì phải đóng thuế nhưng nếu thu phần thuế này thì người gửi tiền sẽ phải đóng thuế chồng thuế. Đây là điểm bất hợp lý”, ông Thịnh phân tích.
Cũng theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, tiền gửi tiết kiệm là kênh chủ đạo giúp ngân hàng tạo ra nguồn lực tài chính, hỗ trợ phát triển nền kinh tế bằng việc cho vay tín dụng, kinh doanh. Nếu phải đóng thuế tiền gửi ngân hàng, kênh huy động vốn này sẽ mất đi lợi thế hút khách, gây tổn thất về nguồn lực phát triển kinh tế.
Thực tế, giá cả hàng hóa liên tục lên giá. Bất chấp việc khoản tiền gửi tiết kiệm vẫn sinh lời hàng tháng, hàng năm nhưng khoản tiền tăng thêm không theo kịp sự tăng giá của hàng hóa, đặc biệt là sự tăng giá của bất động sản và vàng. Do đó, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là không đáng.
“Người dân gửi tiền là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng huy động nguồn lực để cho vay đối với nền kinh tế. Nếu người dân không gửi tiền thì ngân hàng lấy đâu ra tiền để cho vay? Rõ ràng việc đánh thuế tiền gửi của người dân là không “bõ” và cũng không đáng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.
PV (t/h)