Khóa đào tạo nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất các quy định của pháp luật, nâng cao kiến thức cho các cán bộ quản lý và các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý, lợi ích, tầm quan trọng của việc triển khai, áp dụng mã số mã vạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các nội dung được chia sẻ tại khóa đào tạo áp dụng mã số mã vạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể, như: Tổng quan về mã số mã vạch; các quy định về mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và trách nhiệm quản lý của nhà nước về mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn sử dụng hệ thống đăng ký mã số mã vạch, khai báo thông tin sản phẩm.
Đặc biệt, các chuyên gia đến từ Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia đã đưa đến các học viên tổng quan về truy xuất nguồn gốc và thực trạng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá ở Việt Nam và vai trò, lợi ích của việc áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các nội dung về truy xuất nguồn gốc cùng các lợi ích về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, hình thức truy xuất nguồn gốc hiện nay cũng đã được làm rõ.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành Kế hoạch số 3078/KH-UBND về việc Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hoạt động về truy xuất nguồn gốc. Cụ thể:
Tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số mã vạch, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng mã số mã vạch, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế;
Đảm bảo tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế; hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các quy định của pháp luật trên nền tảng các doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hoặc sản phẩm đã được chứng nhận chất lượng;
Hướng dẫn chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo chuẩn hóa, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xây dựng logo nhãn hiệu và in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho khoảng 20 cơ sở (doanh nghiệp, hợp tác xã) sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam, các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Thanh Uyên