Theo quyết định số 1277, 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với 10 loại khoáng sản đã được phê duyệt, trong đó có đất hiếm.

Cụ thể: quặng bô xít (23 khu vực), đá hoa trắng (17 khu vực), cát trắng (15 khu vực); quặng titan và quặng sắt - laterit (14 khu vực), quặng cromit (3 khu vực); quặng đất hiếm, than năng lượng, quặng apatit (2 khu vực), quặng chì - kẽm (1 khu vực).

Đất hiếm ở Lào Cai được phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia
Đất hiếm ở Lào Cai được phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Đất hiếm (đất hiếm vỏ phong hóa) được phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm: Cam Cọn - Tân Thượng, diện tích 18,90km2, có 285.000 tấn dự trữ (huyện Bảo Yên và Văn Bàn, Lào Cai). Ngoài Lào Cai, tại Yên Bái khu vực được phê duyệt là Đồng Tâm, với diện tích 29,40km2, có 160.000 tấn dự trữ (huyện Văn Yên). Đất hiếm ở Cam Cọn - Tân Thượng và Đồng Tâm đều có thời gian dự trữ 30 năm.

Theo quyết định số 1277, trong thời gian dự trữ của các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nêu trên, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải tuân thủ quy định của Nghị định số 51 năm 2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quy định của pháp luật về khoáng sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan công khai các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao hồ sơ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để quản lý, bảo vệ theo quy định.

Nguyễn Mạnh