Nếu như mọi năm, nhãn Hưng Yên chủ yếu chú trọng thị trường trong nước, thì năm nay, địa phương này đã chủ động mở rộng thị trường quốc tế. Thị trường Hưng Yên nhắm đến lại là một trong những thị trường có những yêu cầu khắt khe bậc nhất trên thế giới - Nhật Bản. Công tác chuẩn bị cho chuyến đi xa này của nhãn lồng Hưng Yên đã bắt đầu từ vùng trồng.
Một vùng trồng với diện tích 27 ha đã được lựa chọn thí điểm làm vùng nguyên liệu xuất đi Nhật Bản. Nhãn tại các vùng này phải đáp ứng được 800 chỉ tiêu từ phía Nhật yêu cầu về ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép. Hiện đã có 2 mã vùng trồng đủ điều kiện này.
Mới đây, lần đầu tiên Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị kết nối xuất khẩu nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn sang thị trường Nhật Bản. Đây là bước khởi đầu cho hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các doanh nghiệp, HTX, nhà vườn trồng nhãn Hưng Yên với các doanh nghiệp, thương nhân có nhiều kinh nghiệm, uy tín tại Nhật Bản. Mục tiêu đặt ra là mùa nhãn năm nay sẽ có ít nhất 1 đơn hàng xuất sang thị trường này để mở cửa thị trường.
Từ kinh nghiệm của quả vải đã có một chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng xứ hoa anh đào, các doanh nghiệp đang làm việc với đối tác Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm: người Nhật ăn bằng tai và tận hưởng bằng mắt trước khi thưởng thức bằng miệng. Do vậy quả nhãn Hưng Yên cần gắn liền với câu chuyện đặc sản tiến vua, được trồng và chăm sóc bởi những nhà nông giàu kinh nghiệm.
Để chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp, trang trại, nhà vườn trên địa bàn Hưng Yên sẽ thành lập Hiệp hội nhãn lồng Hưng Yên và cam kết chịu trách nhiệm về sản phẩm nhãn do mình cung cấp, đảm bảo chất lượng và số lượng theo đơn đặt hàng.
Nhật bản là thị trường "khó tính", nhưng nếu chinh phục được, thành công sẽ tạo uy tín rất lớn cho nhãn Hưng Yên mở rộng sang các thị trường quốc tế khác.
Hồng Nhung(T/h)