Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên
Còn nhiều bất cập
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 41 về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, bên cạnh những kết quả khả quan, tích cực, BCĐ 389 quốc gia đã chỉ ra những tồn tại, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.
Theo đó, vai trò chỉ đạo của các cấp lãnh đạo của một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Ý thức của công chức thực thi nhiệm vụ ở một số nơi còn bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Một số đơn vị chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng, chưa kiểm tra sát sao, còn để cán bộ, chiến sỹ vi phạm kỷ luật. Đặc biệt, tại nhiều địa phương còn xuất hiện dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu dẫn đến tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới còn phức tạp; sự phối hợp lực lượng trong triển khai các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ.
Công tác quản lý nhà nước về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên một số mặt còn sơ hở, một số cơ chế, chính sách, pháp luật chưa được bổ sung, hoàn thiện, chưa sát với thực tế trong khi công tác sửa đổi, bổ sung không kịp thời, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động. Đáng chú ý, việc xử lý sai phạm của một số tập thể, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực, để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh; phong trào đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở cộng đồng dân cư còn yếu, không dám ngăn chặn, đấu tranh với buôn lậu, vi phạm pháp luật.
Trên cơ sở những tồn tại đã được xác định, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành địa phương và Văn phòng thường trực tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp.
Triển khai nhiệm vụ
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đinh Tiến Dũng giao nhiệm vụ cho Văn phòng thường trực tiếp tục tham mưu, đề xuất triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành, do trưởng ban và các phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm trưởng đoàn đi kiểm tra địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, vụ việc phức tạp.
Đồng thời, chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành; tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Mặt khác, tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt; tuyên truyền tích cực hơn nữa để người dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng tập trung phân tích tình hình và những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, thực chất và bài bản. Cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; nâng cao hơn nữa công tác phòng để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm, không chạy theo sự vụ.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quá trình kiểm tra, cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm.
Ngoài ra, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản qui phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
Duy Hùng