Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm
Trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng QLTT cả nước đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ giao, trở thành lực lượng chủ công - chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi kinh doanh trái phép khác, bảo vệ sản xuất trong nước, quyền lợi NTD và lợi ích chung của toàn xã hội; từ đó góp phần ổn định thị trường, thực hiện thành công mục tiêu phát triển KT-XH trong từng thời kỳ.
Ngày 23/1/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/CP về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của QLTT. Từ 1995 - 1996, lực lượng QLTT đã xử lý 1.795.208 vụ vi phạm, trong đó 423.085 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 179.649 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 119.778 vụ vi phạm về giá, 1.072.696 vụ kinh doanh trái phép và vi phạm khác; thu nhập NSNN trên 5.204 tỷ đồng. Nhiều vụ vi phạm có quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, đã được lực lượng QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận và biểu dương.
Thời gian từ tháng 8/2011 - 3/2014, lực lượng QLTT được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của BCĐ chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại (BCĐ 127). Lực lượng QLTT đã làm tốt công tác tham mưu, giúp việc cho BCĐ 127 Trung ương và địa phương, tổ chức tốt sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các lực lượng chức năng trong công tác chông buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và trong việc rà soát, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Do đó, lực lượng QLTT cần nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện tốt công tác QLTT, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ NTD.
Chính phủ đang tập trung xây dựng theo hướng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân. Lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định song phương, đa phương, dự báo nạn hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, mang yếu tố nước ngoài. Chúng ta phải hành động thiết thực, nói đi đôi với làm, duy trì liêm chính, không chấp nhận bất kỳ hành vi nào tiếp tay, bảo kê cho vi phạm. Vì vậy, trọng trách của những người làm công tác QLTT ngày một nặng nề.
Với vai trò là lực lượng chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trên thị trường nội địa, lực lượng QLTT phải nhận thức rõ và đầy đủ hơn trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những vi phạm. Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau.
1. Phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389/QG về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41 ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.
2. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, lực lượng QLTT cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.
Thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống như nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp… để góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ NTD. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN.
3. Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến tổ chức và hoạt động của QLTT đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý, không để các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất buôn bán hàng giả; đồng thời tạo điều kiện cho công chức QLTT thực hiện tốt nhiệm vụ.
4. Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền về chủ trương của Chính phủ về công tác này; tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; kiểm tra sau khi cam kết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
5. Chú trọng công tác xây dựng lực lượng, thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ, tác phong chính quy, ứng xử văn hóa, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đề cao vai trò, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị; xác định và xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng công chức, lãnh đạo quản lý, phụ trách địa bàn và người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để xảy ra buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gây bức xúc trong nhân dân.
6. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, công an, cảnh sát biển và các cơ quan thanh tra chuyên ngành. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp, nhất là trong việc tổ chức giao ban định kỳ, trao đổi cung cấp và xử lý thông tin; hướng dẫn thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nguyễn Kiên (Ghi)