Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm Khuyến nông QG thuộc Bộ; đại diện các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 quốc gia; lãnh đạo các Sở Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh; Hội Nông dân Việt Nam; Hiệp hội Phân bón Việt Nam; Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; đại diện các phòng thử nghiệm, trường, viện, trung tâm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực phân bón và khoảng 80 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn cả nước.

Theo Bộ NNPTNT, phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và được sử dụng với số lượng lớn hàng năm để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại.

Đẩy mạnh phát triển phân bón hữu cơ - Hình 1

Tuy nhiên, hiện nay theo ước tính, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ (713 sản phẩm hữu cơ và 13.423 sản phẩm vô cơ). Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm cho môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản.

Hiện nay, trên toàn quốc có 180 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% trên tổng số 735 cơ sở sản xuất phân bón đã được Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cấp phép với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20 nghìn đến 500 nghìn tấn/năm).

Với mục tiêu phát triển phân bón hữu cơ trong thời gian tới, định hướng của Bộ NN&PTNT nhằm: Sử dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nội tiêu. Tăng tỷ lệ sản phẩm và tỷ trọng sử dụng phân bón hữu cơ. Khuyến khích, vận động để đảm bảo ít nhất 50% trong tổng số các đơn vị sản xuất phân bón cả nước cam kết đầu tư phát triển sản xuất phân bón hữu cơ đặc biệt là các đơn vị sản xuất phân bón vô cơ lớn. Hoàn thiện các thủ tục, văn bản pháp quy để phục vụ kiểm tra và kiểm soát chất lượng phân bón hữu cơ.

Chọn lọc, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ tiên tiến, qua đó xây dựng ngành phân bón với cơ cấu, phân bố hợp lý, phát huy hiệu quả các khu, cụm sản xuất tập trung đáp ứng về cơ bản nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp và hướng tới xuất khẩu đối với một số loại phân bón trên cơ sở đầu tư chiều sâu.

 Với các mục tiêu trên, nhiều giải pháp được đưa ra.

Thứ nhất, tập trung rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng để tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho công tác quản lý phân bón.

Thứ hai, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý chất lượng phân bón hữu cơ: rà soát lại năng lực hoạt động của các phòng thử nghiệm, có cơ chế thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Đề xuất xây dựng phòng kiểm nghiệm đối chứng.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra: Tổ chức lực lượng thanh tra chuyên ngành tổng kiểm tra về chất lượng phân bón đang sản xuất, nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Xử lý triệt để và công khai kết quả đánh giá đối với các cơ sở có phát hiện vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp được biết.

Thứ tư, tăng cao hiệu suất sử dụng phân bón thông qua nghiên cứu ứng dụng và tập huấn sử dụng phân đúng cách.

Thứ năm, hợp tác quốc tế: Tham gia tích cực vào Nhóm công tác về nông nghiệp hữu cơ của ASEAN, các tổ chức quốc tế về phân bón, đẩy mạnh hợp tác song phương với các nước, tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác song phương trong việc chuyển giao các công nghệ sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp; các kinh nghiệm quản lý phân bón hữu cơ.

Thứ sáu, thông tin tuyên truyền: Xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, sản xuất và sử dụng sản phẩm hữu cơ, phân bón hữu cơ và về tầm quan trọng của việc sản xuất, sử dụng phân bón đúng cách; lợi ích lâu dài của việc sử dụng phân bón hữu cơ cũng như hệ lụy của việc lạm dụng phân bón vô cơ, hướng dẫn và giới thiệu mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả kinh tế cao.

Thứ bảy, khuyến khích doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu, uy tín về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, phân phối, kết nối trong chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; đặc biệt trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cần tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ.

Thứ tám, kiến nghị chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu phục vụ cho phát triển sản xuất hữu cơ, xác định sản xuất, chế biến hữu cơ là công nghệ cao của khoa học. Đặc biệt trong việc xác định và phát triển sản phẩm chủ lực cho nhu cầu xuất khẩu của hàng hóa nông sản hữu cơ Việt Nam. Hỗ trợ tín dụng cho các tổ chức tham gia vào sản xuất phân bón hữu cơ nói riêng và sản xuất sản phẩm hữu cơ nói chung.

Minh Anh