Đẩy mạnh phát triển thương hiệu tỉnh Lâm Đồng - Hình 1

Theo báo cáo của Sở Công thương Lâm Đồng, thực hiện kế hoạch phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng từ năm 2014 đến năm 2020, phát triển và quảng bá thương hiệu "Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành" giai đoạn 2017 – 2020, đến nay tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng được 24 thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền với 21 nhãn hiệu.

Việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài cho các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh và công tác hỗ trợ áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học chuyển giao quy trình sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn tiến tiến như Vietgap; Global Gap, HCCP, ISO 9001 để nâng cao chất lượng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thế mạnh được các đơn vị triển khai hiệu quả.

Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nhãn hiệu, các sở, ngành trong tỉnh đã xây dựng, xuất bản các bản tin thông tin thị trường, tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Đặc biệt tổ chức cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn trên tỉnh qua đó công nhận và cấp giất chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 27 sản phẩm.

Đối với việc triển khai thực hiện thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tính đến hết tháng 6/năm 2019, UBND thành phố Đà Lạt đã cấp 237 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương , Đức Trọng và Lâm Hà trong đó sản phẩm hoa có 203 tổ chức, cá nhân; rau có 32 tổ chức cá nhân; cà phê arabica 01 cơ sở và 01 doanh nghiệp hoạt động du lịch canh nông…

Đẩy mạnh phát triển thương hiệu tỉnh Lâm Đồng - Hình 2

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày một số tham luận xung quanh công tác xây dựng và bảo hộ các thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh nhằm tạo giá trị vượt trội về sản phẩm nông sản; Công tác cấp quản lý, sử dụng nhãn hiệu nông sản tại các địa phương; Tác động của thương hiệu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tập trung thảo luận làm rõ những khó khăn vướng mặc của địa phương, doanh nghiệp trong công tác phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương trong đó đề nghị UBND và các cấp các ngành cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu các thương hiệu, nhãn hiệu của tỉnh đến người sản xuất và người tiêu dùng để nhân dân tin tưởng đồng hành phát triển thương hiệu; xử lý nghiêm nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trột làm giả hàng Đà Lạt làm giảm lòng tin của người tiêu dùng làm ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của Lâm Đồng...

Đẩy mạnh phát triển thương hiệu tỉnh Lâm Đồng - Hình 3

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã nhấn mạnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển thương hiệu và cho rằng đây là yếu tố cần và đủ để Lâm Đồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, do đó hội nghị này là cơ hội để Lâm Đồng nhìn nhận rà soát và đánh giá lại về việc xây dựng phát triển thương hiệu Lâm Đồng trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian tới.

Đối với thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với những kỳ vọng mở một con đường lớn để nông sản sạch vùng đất cao nguyên định vị trên thị trường. Với nguồn lực, kinh phí đầu tư lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm S đã chỉ đạo các ngành với những nhiệm vụ cụ thể để phát huy lợi thế đưa thương hiệu này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Bên cạnh đó, trước những hạn chế về việc phát triển các thương hiệu tập thể còn hạn chế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các Liên Hiệp hội cần tăng cường công tác kết nối để tiếp tục phát triển nhãn hiệu thương hiệu tập thể. Đồng thời lưu ý các sở, ngành tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho các cho các thương hiệu đã được cấp chứng nhận thương hiệu quốc gia và thế giới như: Rau hoa và Trà atiso, Vang Đà Lạt vươn xa ra thị trường thế giới, để chính những thương hiệu này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, con người – vùng đất Đà Lạt.

Theo Đài PT&TH Lâm Đồng