Sáng 12/10, tại Hà Nội, Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) - Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) đã tổ chức Chương trình hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thương hiệu Việt sang thị trường Hàn Quốc”.
Chương trình Hội thảo tập trung phân tích cơ hội và thách thức của sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam khi thâm nhập thị trường Hàn Quốc, đặc trưng kinh doanh tại Hàn Quốc và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, cách thức đăng ký nhãn hiệu tại thị trường Hàn Quốc.
Phát biểu tại chương trình, Ông Đỗ Kim Lang - Phó cục trưởng Cục XTTM, Phó tổng thư ký Ban thư ký Chương trình THQG cho biết; “Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã được ghi nhận trong luật quản lý ngoại thương, đây là cơ hội rất tốt chúng ta được đàm bảo các hoạt động bằng pháp luật và các nguồn lực của chúng ta được hoạt động tốt hơn. Từ đây, có thể nhìn nhận được hướng đi của chúng ta trong thời gian tới như thế nào. Đặc biệt, các chuyên gia, diễn giả tại Hàn Quốc sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về cách thức tiếp cận và cách làm đối với thị trường Hàn Quốc”.
Ông Lê An Hải - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương)
Theo ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), mục tiêu năm 2017 là đạt kim ngạch 70 tỷ USD, trong đó chúng ta tập trung xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hàn Quốc, tập trung vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản - nhóm hàng được gọi là tinh túy của Việt Nam.
Chúng ta luôn tự hào là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới và là trong top 3 quốc gia lớn nhất cung cấp cho các công ty chế biến của Hàn Quốc, nhưng người Hàn Quốc về cơ bản không biết Việt Nam sản xuất cà phê hạt và thậm chí còn rất ít người biết Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê robusta số 1 thế giới”.
Tại hội thảo, Ông Kim Yu Ho (Luật sư của Công ty Logos Law LLC) cũng đã có những chia sẻ thú vị về người Hàn Quốc, văn hóa Hàn Quốc, văn hóa doanh ngiệp Hàn Quốc: “Hàn Quốc có cùng xuất phát điểm như Việt Nam nhưng chỉ sau 20 năm (1976), Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc mà phương Tây phải mất 200 năm mới đạt được nó”.
Chia sẻ các giải pháp tăng cường cạnh tranh cho thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc, ông Yoon Sang Ho (Giám đốc Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc - Small - Medium Business Link - SMBL) cho biết: “Chúng ta đều biết tới Cocacola, nhưng ít ai biết rằng họ đã tồn tại được 125 năm, vì chưa bao giờ họ đề cập đến lịch sử hình thành của họ. Con người chúng ta chi phối hoạt động kinh tế và nhận thức quyết định đến thương hiệu”.
Cũng trong hội thảo này, ông Phạm Duy Khương (Giám đốc Công ty S&B Law) cũng đã trình bày việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường Hàn Quốc: “Có 2 phương thức là nợp đơn trực tiếp hoặc wipo madrit. Hàn Quốc là quốc gia ở đây ai đăng ký thương hiệu trước thì người đó được sử dụng cho nên có rất nhiều trường hợp bị chiếm quyền thương hiệu tại đây”.
Hội thảo góp phần gia tăng cơ hội xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp đồng thời quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam. Qua đây cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam năm bắt thông tin về thị trường, các tiêu chuẩn, quy định cũng như cách thức tiếp cận, quảng bá thương hiệu Việt sang thị trường Hàn Quốc.
Quang Anh