Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị
Qua hơn hai năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, tại khu vực phía Nam (gồm Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long ) đã có 11/19 tỉnh/thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng chỉ chiếm 18,07% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước; trong đó, 3 tỉnh là Bến Tre, Sóc Trăng và Đồng Tháp nằm trong nhóm 10 tỉnh có sản phẩm OCOP cao nhất cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch hội đồng OCOP quốc gia cho hay, sự phù hợp về định hướng, chính sách nhằm phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương, kể các các địa phương vùng miền núi vùng khó khăn…, huy động sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, hệ thống chính trị, phát triển trở thành giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm OCOP đã từng bước tham gia vào thị trường với vị thế của sản phẩm đặc sản của Việt Nam, dần trở thành một dấu hiệu nhận diện trên cả khía cạnh chính sách và khía cạnh sản phẩm đối với người tiêu dùng, gắn với thương hiệu OCOP Việt Nam. Nhiều kênh phân phối sản phẩm OCOP đã được hình thành và vận hành có hiệu quả như: BigC, Vinmart, Saigon Co.op; cùng với đó là hệ thống các sàn thương mại điện tử như VNpost, Voso.vn, Lazada… đã được tiếp cận và tham gia tích cực và chủ động,… có tốc độ tăng trưởng về doanh thu từ 10-40%, nhiều sản phẩm ở khu vực khó khăn đã mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu.
Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu khu vực phía Nam.
Theo quan điểm OCOP tiếp tục là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với đơn vị làng, xã để phát huy nội lực, sức sáng tạo, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với cộng đồng. Bên cạnh đó, gắn với khai thác các lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các vùng khó khăn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy sự tham gia của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và cộng đồng, đặc biệt là vai trò của cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP, tính chủ động và đóng góp nguồn lực của các chủ thể để phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả và bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình, UBND tỉnh An Giang trao Giấy chứng nhận 37 sản phẩm OCOP (trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao và 26 sản phẩm đạt 3 sao) cho các chủ thể. An Giang hiện có 5 sản phẩm OCOP đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao năm 2020 là: Gạo thơm đặc sản Thiên Vương, gạo ngon tiến vua Tiên Nữ, thực phẩm bổ sung Gạo mầm Vibigaba của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, đường thốt nốt sệt Palmania và đường thốt nốt bột Palmania của Công ty Cổ phần Palmania.
Thùy Linh