Phát biểu tại “Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử: Từ sản xuất đến đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc”, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn nhấn mạnh, những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những bước phát triển.

Toàn tỉnh có khoảng 500 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài khoản thương mại điện tử đạt 20% và tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử đạt 50%. Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng và tiện lợi.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Toàn, bên cạnh mặt tích cực thì hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử thiếu, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; phần lớn các website của tỉnh chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá giới thiệu sản phẩm, thiếu các dịch vụ hỗ trợ tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng; số lượng các sản phẩm hàng hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu để tham gia vào các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn…

Đồng tình với ý kiến của Lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh về vai trò của thương mại điện tử đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội hiện nay. Để phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại này, đồng thời, khai thác tốt hơn lợi thế của mỗi vùng, Cục trưởng cho biết, Đảng và Chính phủ chủ trương thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử. Đây là chủ trương xuyên suốt và là một trong những định hướng trọng tâm của Đảng, Chính phủ thời gian qua.

Trao đổi cụ thể tại Hội nghị về những mô hình liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin, có 3 nhóm: Một là, tập trung nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước, thể hiện ở việc hoàn thiện thể chế chính sách quản lý Nhà nước, tăng cường giám sát thực thi, nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước; Hai là, quy hoạch hạ tầng dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử với việc quy hoạch hạ tầng logistics, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mô hình giải pháp mới để chuyển giao; Ba là, chuyển đổi số và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gồm chuyển đổi số đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vùng, đào tạo nhân lực, diễn đàn triển lãm… Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền tin tưởng, việc triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ sẽ góp phần thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử, hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững.

Minh Anh