GĐ Công ty Mibrand, Lại Tiến Mạnh
Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của DN Việt Nam hiện nay trong vấn đề xây dựng thương hiệu?
Gần đây, nhận thức về xây dựng thương hiệu của DN không ngừng được nâng lên. Nhất là qua môi trường mạng, rất nhiều người chia sẻ các thông tin, cũng như nhu cầu về xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, đối với các hoạt động truyền thông, quảng bá, cụm từ “thương hiệu” được nhắc đi nhắc lại.
Tuy nhiên, từ nhận thức cho đến hành động, còn là một quãng đường khá xa. Ở đây, còn không ít rào cản trong quá trình xây dựng thương hiệu đó là kiến thức, sự hiểu biết và định hướng chuẩn cho thương hiệu của DN. Chính vì vậy, cần sự đầu tư lớn, kể cả về mặt chuyên môn, chi phí truyền thông, quảng bá.
Vậy DN cần làm gì để xây dựng thương hiệu thành công?
Đối với các DN, để xây dựng thương hiệu thành công, có những con đường nhất định, trong đó cần xác định cho mình một định vị thương hiệu rõ ràng. Song định vị đó phải đủ khác biệt, đủ cuốn hút đối với người tiêu dùng.
Cuối cùng là hoạt động truyền thông. Chúng ta đã có môi trường mạng rất năng động và Việt Nam là một trong những thị trường tập trung vào digital marketing rất cao, tôi cho rằng đó là một trong những cách mà DN có thể mang thương hiệu quảng bá đến với khách hàng với một chi phí không phải quá cao so với trước đây.
Với đặc thù Việt Nam, phần lớn là DNNVV, nhiều DN chia sẻ rằng, chi phí xây dựng thương hiệu rất lớn. Vậy có phải đợi đến khi nào DN mạnh thì mới xây dựng thương hiệu không?
Đây là một câu hỏi rất hay và rất nhiều người hỏi, nhưng lại chưa chuẩn ở chỗ: Ngay từ lúc đặt câu hỏi, chúng ta đã gắn việc xây dựng thương hiệu với việc chi tiêu rồi. Theo tôi, việc chi tiêu chỉ là vế sau đó - cho việc truyền thông, quảng cáo. Vế trước đó là về bản thân DN có những nỗ lực trong việc hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, chăm sóc khách hàng, xây dựng quan hệ với khách hàng. Những việc đó không tốn thêm mấy, bởi vì nó là hoạt động hằng ngày của DN, bản thân nó đã là xây dựng thương hiệu rồi.
Nếu tạm thời gác chi phí sang một bên thì chúng ta nên xác định lại: Hoạt động xây dựng thương hiệu của DN đó là chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất, làm khách hàng hài lòng bằng chất lượng sảm phẩm dịch vụ của mình và làm sao để khách hàng quay lại mua.
Đồng thời, có các chương trình để giúp khách hàng giới thiệu bạn bè và những người khác cho công ty của mình. Đó đã là những sự thành công rất lớn của các DN mà chưa phải chi trả quá nhiều.
Xây dựng thương hiệu đã là một quá trình công phu, bền bỉ, vấn đề bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?
Bảo vệ thương hiệu nó có rất nhiều khía cạnh, trong đó bảo hộ về nhãn hiệu là một trong những khía cạnh về pháp lý. DN sở hữu chính thức nhãn hiêu hàng hóa. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, việc đăng ký nhãn hiệu là việc làm đầu tiên và cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, trên thực tế, đã có không ít ví dụ về các DN Việt Nam, khi thương hiệu đang đạt được độ lớn nhất định thì sinh ra những cái tranh chấp pháp lý.
Trong đó, cái liên quan nhiều nhất bằng tiền nhãn hiệu, thì họ lại không có, từ đó bị các đối tác đăng ký mất ở thị trường Việt Nam hay nước ngoài. Đó là những điều rất đáng tiếc và lúc đó DN phải chi ra rất nhiều tiền, cũng như công sức để giải quyết bằng cách thương lượng, chi chả tiền, thậm chí còn đổi thành những nhãn hiệu khác để đăng ký…
Mặt khác, môi trường mạng hiện rất phức tạp. Rất nhiều thương hiệu, nhất là trong ngành bất động sản, khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra, có những công ty xử lý tốt và có những công ty chưa xử lý tốt.
Nhiều công ty có các công cụ lắng nghe trên thị trường và họ rất chú ý đến môi trường mạng; bất kỳ một mầm mống gì có thể ảnh hưởng đến thương hiệu, họ lập tức xử lý ngay bằng rất nhiều hình thức khác nhau như liên hệ trực tiếp, gặp gỡ khách hàng làm rõ các cái vấn đề khúc mắc mà khách hàng gặp phải để có thể làm hài lòng khách hàng ngay từ đó; hoặc là có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để làm sao giảm thiểu các rủi ro.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thu - Quang Anh(Thực hiện)