Chương trình có sự tham gia của các diễn giả uy tín đại diện cho các công ty định giá thương hiệu, các cơ quản quản lý về nghiên cứu, phân tích chiến lược thương hiệu, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, các sở ban ngành liên quan và đông đảo doanh nghiệp…
Trong xu thế hội nhập hiện nay, công tác xây dựng và phát triển thương hiệu có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Việc xây dựng một chiến lược thương hiệu bài bản, có sức sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt thương hiệu và sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng.
Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, với mục đích giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, giá trị của thương hiệu như một công cụ hết sức quan trọng để nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp bổ sung các kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu.
Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu tại chương trình
Chia sẻ tại chương trình, diễn giả uy tín đại diện cho công ty định giá thương hiệu - ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand nhìn nhận: Tại Việt Nam, bên cạnh nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu thương hiệu rất thành công thì còn nhiều doanh nghiệp đang mắc phải “căn bệnh”, đó là: “Làm nhưng không tới”. Lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi cách suy nghĩ về xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp của mình.
Để đẩy lùi những hạn chế, giúp doanh nghiệp thành công trong xây dựng và phát triển thương hiệu, ông Mạnh đã đưa ra cách thức xây dựng thương hiệu bền vững với những nội dung cụ thể như: Tại sao cần xây dựng thương hiệu; Nền tảng của những thương hiệu mạnh; Xây dựng chiến lược thương hiệu bắt đầu từ đâu… Đồng thời, đưa ra những ví dụ cụ thể về các thương hiệu đã thành công khi áp dụng những nội dung đó để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham khảo và học hỏi.
Theo ông Vũ Xuân Trường - chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: “Tại Việt Nam, ước tính có gần 500.000 doanh nghiệp nhưng 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều chúng ta cần làm là biến doanh nghiệp nhỏ thành vừa, vừa thành to để phát triển thương hiệu Việt ngày càng vững mạnh. Khi một sản phẩm, dịch vụ càng nằm lâu trong đầu khách hàng thì sự thành công càng bền vững”.
Trong chương trình, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), bà Nguyễn Thị Hà cũng đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết điều kiện, quy trình, thủ tục, cách thức… đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, từ đó giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trong nước và nước ngoài.
Thông qua chương trình đào tạo “Xây dựng chiến lược thương hiệu doanh nghiệp”, các doanh nghiệp đã nhận thức tốt hơn về giá trị thương hiệu, các tiêu chuẩn thiết kế, yếu tố cần có để tạo dựng bản sắc cho thương hiệu doanh nghiệp cũng như cách thức để bảo vệ thương hiệu.
Đồng thời, cũng tạo ra cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các doanh nghiệp…, mở rộng hợp tác trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp; là cơ hội quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia, góp phần xúc tiến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh trên trường quốc tế.
Hà Anh