9 tháng đầu năm, ngành du lịch giúp TP. HCM thu lợi hơn 140.000 tỷ đồng
Theo thông tin từ Sở Du lịch TP. HCM, tính đến tháng 9/2024, khách quốc tế đến TP. HCM ước đạt 4,014 triệu lượt, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023, đạt 66,9% so với kế hoạch năm 2024. Khách du lịch nội địa đến TP. HCM trong 9 tháng khoảng 27,353 triệu lượt, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2023, đạt 72% so với kế hoạch năm 2024.
Tổng thu du lịch 9 tháng ước đạt 140.398 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 73,9% so với kế hoạch năm 2024.
Theo Sở Du lịch TP. HCM, trong 9 tháng năm 2024, công tác phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục triển khai về sản phẩm du lịch đặc trưng của TP. HCM, đồng thời tích cực thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch y tế, du lịch MICE, nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến thành phố.
Hoạt động thông tin, quảng bá du lịch được đẩy mạnh tạo tính hiệu quả, lan tỏa hình ảnh du lịch TP. HCM đến với du khách trong và ngoài nước. Với điểm nhấn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đưa các hoạt động du lịch lên nền tảng trực tuyến nhằm tạo hiệu ứng, tính tương tác, độ lan tỏa cao.
Cùng với đó, công tác tổ chức các sự kiện du lịch kết nối với văn hóa tại thành phố tạo được điểm nhấn với các sự kiện chính như: Lễ hội Áo dài TP. HCM, Ngày hội Du lịch TP. HCM, Lễ hội Sông nước TP. HCM… thu hút sự chú ý của khách trong và ngoài nước; đồng thời kích cầu du lịch nội địa, góp phần thúc đẩy ngành du lịch TP. HCM phát triển; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm du lịch và hoạt động khuyến mãi đến với người dân địa phương và khách du lịch trong nước với các hoat động phong phú, đa dạng.
Bên cạnh đó, công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành có vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo những sản phẩm du lịch liên kết, có sức hấp dẫn, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch, thúc đẩy sự hồi phục của du lịch thành phố nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Du lịch Y tế đang được TP. HCM quan tâm đặc biệt
Theo thống kê từ Sở Du lịch TP. HCM, hàng năm lượng khách du lịch đến Việt Nam khám chữa bệnh tăng dần đều qua các năm, doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó 40% lượng khách tập trung tại TP. HCM.
Vì vậy, để thu hút du khách, Sở Du lịch TP. HCM đã kết nối với hơn 50 đơn vị là các bệnh viện, cơ sở y tế, spa, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch… cùng xây dựng 30 sản phẩm du lịch y tế giới thiệu đến người dân và du khách.
Từ năm 2024, ngành y tế TP. HCM định hình phát triển thành trung tâm y tế chuyên sâu, hiện đại và là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe cũng là một trong những mục tiêu lớn không chỉ của ngành y tế TP. HCM mà còn của ngành du lịch và các đơn vị lữ hành.
Việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những điểm yếu của du lịch y tế ở Việt Nam hiện nay là còn quá ít thông tin về các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh, còn ít hãng du lịch lữ hành tổ chức các tour kết hợp chăm sóc sức khỏe. Không ít bệnh viện chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế như JCI hay ISO nên du khách nước ngoài còn ngần ngại đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh.
Trên website các bệnh viện chưa có nhiều thông tin, thậm chí còn không có cả tiếng Anh để tra cứu, cũng như chưa có các dịch vụ hỗ trợ kèm theo nên người nước ngoài khó tìm kiếm một dịch vụ du lịch y tế trọn gói để sử dụng. Ngoài ra, ngoại ngữ của y tá, điều dưỡng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các địa phương, cơ quan y tế, các cơ sở có điều kiện phát triển du lịch y tế với các hãng du lịch lữ hành còn thiếu đồng bộ và về cơ bản.
Về vấn đề trên, ông Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch TP. HCM cho rằng: “Các doanh nghiệp cần sự kết nối chặt chẽ và chiến lược phát triển rõ ràng, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút và giữ chân du khách.
Để giải quyết thực trạng "đói" khách, doanh nghiệp cần làm tốt hơn trong việc giải mã hệ giá trị trải nghiệm, sản phẩm cần có bản sắc, độc đáo và chiều sâu…”
Tại triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2024, được tổ chức tại TP. HCM, Viejthani hospital, bệnh viện hàng đầu Thái Lan đã tham gia và thể hiện tham vọng về việc xây dựng thương hiệu quốc tế bằng cách tìm kiếm đối tác tại Việt Nam để phát triển du lịch y tế.
Bà Phạm Hạnh, đại diện Viejthani hospital trả lời PV Thương hiệu và Công luận, về định hướng xây dựng thương hiệu đến với quốc tế, bệnh viện đã và đang phát triển du lịch y tế. Bệnh viện đang sở hữu đội ngũ nhân lực hơn 900 người, bao gồm cả bác sỹ, phiên dịch viên và 4 toà nhà với các công năng khác nhau, gồm 500 giường bệnh.
“Mỗi năm, chúng tôi khám và chữa trị cho khoảng 300.000 bệnh nhân đến từ 150 quốc gia. Chúng tôi phát triển mạnh về công nghệ chữa trị xương khớp và làm đẹp, trong đó, đáng chú ý là chữa trị ung thư, làm đẹp bằng công nghệ tế bào gốc. Nhận thấy tiềm năng từ quốc gia trăm triệu dân, chúng tôi mong muốn tìm kiếm các đại lý, đối tác, doanh nghiệp tại Việt Nam để có thể kết hợp phát triển, đẩy mạnh về du lịch y tế.
Chúng tôi cũng lên phương án để hỗ trợ khách hàng hiểu rõ về các thủ tục, hồ sơ để đăng ký tham gia du lịch y tế bằng cách đưa ra các nội dung khách hàng cần đảm bảo khi tham gia du lịch y tế, được đăng tải trên website của bệnh viện.”
Sông Trường