Phản hồi đề nghị của Bộ Tư pháp về việc tham gia thẩm định dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi; đồng thời, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Về cơ bản, các quy định tại dự thảo là thống nhất với các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, cần xem xét lại một số nội dung như: các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hợp đồng với nhà thầu....; nhất là cần chi tiết hóa hơn nữa, minh bạch hơn nữa về giám sát hoạt động đấu thầu.
Thời gian gần đây, VCCI đã khảo sát các đối tượng là nhà thầu, bên mời thầu, các cơ quan có chức năng giám sát xã hội để đánh giá hệ thống đấu thầu mua sắm công. Kết quả khảo sát cho thấy, đối với vấn đề giám sát hoạt động đấu thầu, có hơn 57% bên mời thầu cho rằng cần thiết phải có tổ chức xã hội giám sát trong hoạt động đấu thầu, để đảm bảo tính minh bạch của hoạt động này. Tổ chức giám sát xã hội có thể là hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan báo chí, các cơ quan đại diện cho nhóm yếu thế (hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội người khuyết tật) …
Khi hỏi ý kiến các tổ chức giám sát xã hội về hoạt động giám sát trong hoạt động đấu thầu, phần lớn các tổ chức này đều cho rằng sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội trong hoạt động đấu thầu là cần thiết, đặc biệt ở giai đoạn “tổ chức lựa chọn nhà thầu”.
Dự thảo có quy định về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, tuy nhiên hoạt động này do người có thẩm quyền, cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu thực hiện mà không có sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội. Sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội sẽ đảm bảo tốt hơn, minh bạch hơn đối với hoạt động đấu thầu. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét bổ sung đối tượng này vào hoạt động giám sát đấu thầu.
Theo các nhà thầu tham gia khảo sát, trên phương diện kinh tế, các quy định này sẽ khuyến khích nhà thầu sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của nhà thầu về mua sắm xanh, mở rộng ra sẽ xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Vì thế, VCCI đề nghị, bổ sung định nghĩa về “mua sắm xanh” cũng như bổ sung quy định cụ thể về các tiêu chí xác định như thế nào là “mua sắm xanh”. Đây có thể là một quy định mới, rất khó áp dụng ngay trên thực tế, vì vậy có thể xây dựng lộ trình để áp dụng.
P.H.T (t/h)