Bài thi: NGỮ VĂN

Đề thi môn Ngữ Văn, kỳ thi THPT quốc gia 2019 - Hình 1

I.       ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

“Biết nói gì trước biển em ơi!

Trước cái xa xanh thanh khiết không lời

Cái hào hiệp ngang tàng của gió

Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ

Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời

Cái giản đơn sâu sắc như đời

Chân trời kia biển mãi gọi người đi

Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng

Bao kiếp vùi trong đáy lặn mù tăm

Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng

Bay trên biển như bồ câu trên đất

Biển dư sức và người không biết mệt

Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa

Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi”

(Trước biển – Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Văn học, 1985, tr.391)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Anh/Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào:

“Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng

Bao kiếp vùi trong đáy lặn mù tăm”

Câu 3: Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:

“Cái hào hiệp ngang tàng của gió

Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ

Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời

Cái giản đơn sâu sắc như đời”

Câu 4: Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

II.      LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5.0 điểm)

“Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.”

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

So với đề thi văn THPT quốc gia năm 2018, đề thi tham khảo năm nay không có bất kỳ sự thay đổi nào về cấu trúc. Khuôn mẫu này được duy trì từ năm 2017 đến nay.

Về mặt nội dung, phần đọc hiểu, đề tham khảo giữ nguyên việc sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa. Sự thay đổi lớn nhất trong phần này nằm ở cách ra các câu hỏi.

Câu đầu tiên không còn kiểm tra học sinh về kiến thức tiếng Việt căn bản như thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt… giống những năm trước. Các câu hỏi đều không yêu cầu học thuộc kiến thức trong sách giáo khoa.

Phần đọc hiểu yêu cầu học sinh thực hiện chính xác hai thao tác là đọc và hiểu ngữ liệu. Đây là sự thay đổi lớn. Nếu đề thi thật như đề tham khảo, học sinh không cần phải quá tập trung việc học kiến thức tiếng Việt.

Phần làm văn, viết đoạn văn là câu hỏi duy nhất không thay đổi. Đề tham khảo giữ nguyên cách hỏi và hình thức thể hiện của câu hỏi như đề thi THPT quốc gia 2018.

Đề thi THPT quốc gia 2019 được xây dựng theo ngưỡng vừa cơ bản để đạt mục đích xét tốt nghiệp, đồng thời sẽ có độ phân hóa phù hợp để xét tuyển đại học, cao đẳng. Độ phân hóa của đề thi nằm chủ yếu ở lớp 12.

PV