Áp thuế để... chống béo phì

Tại buổi họp báo chuyên đề (15/8), Bộ Tài chính đã có báo cáo về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tài nguyên  và  thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)

Thông tin đáng chú ý là đối với thuế TTĐB, Bộ Tài chính đề xuất tập trung sửa đổi 4 nội dung. Trong đó, đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền đóng gói vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%, áp dụng từ năm 2019.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt: Cần đánh giá tác động tổng thể - Hình 1

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt: Cần đánh giá tác động tổng thể

Lý giải của Bộ Tài chính, đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, làm tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến cơ thể bao gồm tim mạch và tiểu đường.

Bộ Tài chính cũng dẫn thống kê, ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm…

Để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, Bộ Tài chính cho biết, các nước trong khu vực đã thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt. Cụ thể, Thái Lan quy định nước ngọt có ga không cồn chịu thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai; Lào thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn 5% và nước tăng lực 10%; Campuchia thu 10% với nước ngọt. Ngoài ra,  Myanmar, Philippines và Indonesia cũng dự kiến sẽ thu thuế TTĐB với mặt hàng này.

“Hầu hết các nước trong khu vực đã và sẽ thực hiện thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt. Các nước Châu Âu áp dụng thuế cao hơn, cụ thể như Pháp thu thuế tuyệt đối 0,72 EUR/lít, Phần Lan thu 0,75 EUR/lít, Hungari 0,04 EUR/lít, Hà Lan 0,09 USD/lít…”, Bộ Tài chính cho biết.

Sẽ gây ra hệ  lụy

Theo đánh giá của các chuyên gia  kinh tế, nếu thuế TTĐB với mặt hàng nước ngọt  được  áp  dụng, sẽ là “một trường hợp cá biệt”, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đối tượng xã hội và gây ra hoài nghi về tác động kinh tế.

Tại hội thảo hội góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo các Luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức (ngày 14/9), nhiều ý  kiến cho rằng, việc đánh thuế TTĐB với nước ngọt là chưa thuyết phục.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA), đề xuất áp thuế TTĐB với nước ngọt 10% sẽ gây tác động mạnh tới doanh nghiệp trong ngành nếu được thông qua. Lúc này, giá sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng do mức thuế GTGT áp dụng cho đường. Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra hệ lụy: Tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ, giảm doanh thu kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động…

Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giá bán cao còn có khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng phát triển.

“Bộ Tài chính đưa ra 3 cơ sở để áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt: Cơ cấu lại thuế để tăng ngân sách, phù hợp với xu hướng quốc tế và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (cụ thể là bệnh béo phì và tiểu đường). 

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng chưa được chứng minh một cách khoa học, “liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường và béo phì và khi áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường hay không?”, đại  diện VBA đặt câu hỏi.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang nhấn mạnh: Giải trình nước ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì và tiểu đường là một trong những cơ sở để áp thuế TTĐB không hợp lý, thiếu chính xác. Nếu chỉ áp thuế TTĐB với nước ngọt như dự thảo đề xuất, mà không áp dụng với sản phẩm có đường tương tự, là bất bình đẳng.

Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu quan điểm, đánh thuế nước ngọt là ảnh hưởng trực tiếp tới ngành đường. Đặc biêt, không cẩn trọng thì nông dân thiệt hại.

 Cần xem xét kỹ

Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính chưa áp thuế TTĐB đối với nước ngọt. Trong trường hợp cần thiết phải áp thuế TTĐB, cần có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, với cơ sở khoa học biện chứng, rõ ràng về tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp...

Theo Luật sư Trần Xoa, khái niệm “nước ngọt” cũng chưa xác định rõ ràng là nước uống có đường, hay tất cả các đồ uống có vị ngọt? Nếu “nước ngọt” được định nghĩa là đồ uống có đường, mức thuế áp dụng phải thay đổi theo hàm lượng đường, vì giữa sản phẩm có hàm lượng đường thấp với hàm lượng đường cao ảnh hưởng là khác nhau, không thể áp dụng chung một mức thuế.

Quan ngại việc áp thuế TTĐB với nước ngọt, ông Khuất Quang Hưng, Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, phải cân nhắc kỹ trước khi áp thuế đối với mặt hàng nước ngọt. 

“Có thể đánh giá từng mặt hàng cụ thể, bởi vì khái niệm nước ngọt quá rộng. Đối tượng bao gồm cả những sản phẩm có ích cho sức khỏe, sản phẩm cho trẻ em có sử dụng đường rất dễ áp dụng tính vào mặt hàng nước ngọt.

Nước trái cây và rau quả tốt cho sức khỏe cũng chứa phụ gia và đường. Cách tiếp cận này thiếu công bằng cho các sản phẩm có hàm lượng đường khác nhau, đồng thời không khuyến khích doanh nghiệp giảm hàm lượng đường trong sản phẩm”, ông Hưng nêu quan điểm. 

Liên quan đến áp thuế TTĐB, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần có đánh giá tác động ra sao vì dự thảo chưa đánh giá tăng thu ngân sách là bao nhiêu (vì mục tiêu đưa ra là tăng thu ngân sách)? Tăng thu có bền vững không hay chỉ tới năm 2018, 2019? Tác động đến người dân, nền kinh tế sẽ như thế nào?...

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cân đối ngân sách bền vững không chỉ dựa trên thu. Bội chi, thâm hụt cao là do chi tiêu, đầu tư bất hợp lý, Nhà nước không sử dụng hiệu quả nguồn lực, phân bổ không hợp lý…

Bên cạnh đó, hiện nay các loại phí “nhiều kinh khủng” khiến chi phí đầu vào, gánh nặng hành chính cộng lại rất lớn và đổ vào đầu người dân. Do đó, nếu nói đến tính hệ thống, đồng bộ của thuế thì Bộ Tài chính cần nhìn tất cả các khía cạnh đó. 

Hoan Nguyễn