Theo văn bản trên, Bộ Tài chính cho biết, ngoài mục tiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì dự thảo Nghị quyết còn góp phần thực hiện mục tiêu về hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Ngoài ra, diễn biến dịch Covid-19 khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới; dự kiến sẽ vẫn ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực của Việt Nam.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)
Vì vậy, để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trao đổi, thống nhất với Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế TNDN đối với cả doanh nghiệp có quy mô vừa.
Về tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô vừa được giảm thuế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng vẫn sử dụng tiêu chí doanh thu và lao động như đề xuất tại Tờ trình về việc ban hành nghị quyết này của Chính phủ trước đó. Cụ thể, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 200 người.
Việc thực hiện mở rộng đối tượng giảm thuế nêu trên dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước năm nay khoảng 22.440 tỷ đồng (tăng thêm hơn 6.000 tỷ đồng so với không thực hiện mở rộng đối tượng).
Theo Tờ trình của Chính phủ lên Quốc hội, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, trong phiên thảo luận về nội dung tờ trình này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng giảm thuế ra toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi số lượng loại hình doanh nghiệp này chiếm tới 97%, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.
Hà Trần