Ngày 10/4, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bãi bỏ quy định rà soát các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính đã cập nhật mức chi phí mới cho xăng dầu, dựa trên chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoản Premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện và diễn biến thị trường xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được bộ này rà soát, tổng hợp 3 lần và đã thống nhất với Bộ Công Thương để ban hành 2 thông báo điều chỉnh, trong đó, mức điều chỉnh có tăng, có giảm tùy theo từng chủng loại xăng dầu.
Bộ Tài chính cũng đánh giá, từ đầu năm đến nay, tình hình cung - cầu xăng dầu trong nước, cơ bản ổn định, không có hiện tượng khan hiếm xăng dầu cục bộ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Bộ Tài chính khẳng định, không nhận được ý kiến phản ánh của cơ quan, doanh nghiệp về biến động bất thường về chi phí xăng dầu.
Trong quá trình rà soát, tổng hợp các khoản chi phí xăng dầu hằng tháng, do doanh nghiệp báo cáo cho thấy, một số chủng loại xăng dầu không có dữ liệu về chi phí để tổng hợp đánh giá.
Qua rà soát các khoản chi phí phát sinh từ đầu năm đến nay cho thấy, có khoản chi phí tăng, có khoản chi phí giảm, nhưng đều ở biên độ thấp, không có biến động bất thường.
Theo dõi các khoản chi phí nêu trên tại các kỳ rà soát, tổng hợp từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính nhận thấy có biến động tăng, giảm nhưng ở mức thấp.
Tại kỳ rà soát, tổng hợp ngày 20/3 (các khoản chi phí doanh nghiệp báo cáo thực hiện từ ngày 1 - 28/2), nếu so sánh mức tăng, giảm chi phí tại kỳ rà soát với giá cơ sở kỳ tại điều hành giá xăng dầu ngày 11/3, do Bộ Công Thương công bố thì mức tăng, giảm của khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng chiếm khoảng -1,3% đến 0,8% (trong thời gian đó doanh nghiệp không phát sinh nhập khẩu xăng nền để pha chế xăng E5 RON 92 và dầu hỏa).
Còn khoản Premium trong nước chiếm khoảng 0,1% đến 0,5%; khoản chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng chiếm khoảng -1,1% đến 0,3%, tùy theo từng chủng loại mặt hàng.
Từ những vấn đề nêu trên, sau khi xin ý kiến thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bãi bỏ quy định tại Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan theo dõi, rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, công bố điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.
Nguyễn Kiên