THCL - Bộ Tài chính vừa có Công văn số 2399/BTC-QLCS xin ý kiến góp ý vào Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, DNNN.
Theo đó, nhiều chức danh tại cấp bộ, địa phương và DNNN đang được bố trí xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác, sẽ không còn được bố trí xe phục vụ. Thay vào đó là hình thức nhận khoán kinh phí bắt buộc hàng tháng và tự bố trí phương tiện đi làm.
Cụ thể, có 2 phương án khoán kinh phí được đề xuất áp dụng bắt buộc đối với chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (thứ trưởng và tương đương, phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế nhà nước).
Phương án 1 là đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%; phương án 2 là mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác.
Đơn giá khoán là 16.000 đồng/km hoặc xác định trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương.
Đối với trường hợp cần thiết, phải bố trí xe phục vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh kể trên. Bộ Tài chính cũng đề xuất 2 phương án đó là báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định hoặc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên xem xét quyết định.
Cũng theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất thay đổi tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ô tô phục vụ công tác chung nhằm thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 2/11/2016 của Thủ tướng về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, phấn đấu đến năm 2020, giảm 30 - 50% số lượng ô tô công phục vụ công tác được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương hiện có.
Phan Chinh