Tham dự buổi làm việc còn có các Phó Bí thư Tỉnh ủy: Kim Ngọc Thái, Lâm Minh Đằng, Lê Văn Hẳn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan và đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Trúc Phương)

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đã báo cáo đề xuất phát triển dự án điện gió theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đề xuất cơ chế DPPA theo phương thức mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia (EVN). Đối tác mua điện tại tỉnh sẽ là Công ty Amata Việt Nam và các nhà đầu tư có nhu cầu mua điện, trọng tâm là các tập đoàn Nhật Bản.

Ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Thành Việt Nam báo cáo đề xuất tại buổi làm việc
Ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Thành Việt Nam báo cáo đề xuất tại buổi làm việc (Ảnh: Trúc Phương)

Công ty cũng đề xuất tỉnh cho phép khảo sát, nghiên cứu khu vực V3-2, 200MW ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải và khu vực V3-6, 80MW ở xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải với thời gian 3 tháng. 

Sau thời gian khảo sát, nhà đầu tư sẽ báo cáo kết quả và kiến nghị Trà Vinh thực hiện: đề xuất bổ sung danh mục dự án theo cơ chế DPPA; cập nhật các dự án vào Quy hoạch tỉnh; cập nhật dự án vào Quy hoạch điện VIII…Nhà đầu tư cũng cam kết khảo sát bằng nguồn vốn của doanh nghiệp và cung cấp tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ việc bổ sung dự án vào Quy hoạch.

ông Ngô Chí Cường Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc
ông Ngô Chí Cường Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Trúc Phương)

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường đánh giá cao báo cáo đề xuất về phát triển dự án điện gió theo cơ chế mua bán điện trực tiếp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh cơ bản thống nhất với phương án ban đầu của nhà đầu tư và cho phép nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu khu vực V3-6, 80MW ở xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải và tiếp tục đề xuất các vị trí khảo sát khác phù hợp với Quy hoạch của tỉnh.

Việt Nam được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển điện gió nhất khu vực Đông Nam Á. Nước ta được thiên nhiên ưu ái với đường bờ biển dài hơn 3.200 km và nhiều khu vực đồi núi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác năng lượng gió ở cả ngoài khơi và trên đất liền.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ điện gió ở nước ta hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Bởi chi phí đầu tư vào điện gió hiện nay vẫn còn tương đối cao, khoảng 50 triệu/ 1kw, trong khi đó các chính sách, cơ chế trong việc mua bán điện gió vẫn chưa ổn định và rõ ràng

Để điện gió phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có ở Việt Nam, nước ta cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư, đồng thời cần nâng cấp và mở rộng lưới điện để truyền tải điện gió mà không gây áp lực lên hệ thống truyền tải hiện có.

L.T (t/h).