Xe máy chiếm tỷ lệ 90% phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam
Xe máy chiếm tỷ lệ 90% phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam

Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ lần thứ 5 đang được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Trong đó có đề xuất một quy định tạo nên sự chú ý, quan tâm của dư luận: "Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng Chính phủ quy định".

Dự thảo Luật Đường bộ do Bộ GTVT xây dựng dự kiến trình Quốc hội cuối năm nay có bổ sung quy định kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành thông qua kiểm tra định kỳ về khí thải. Theo đó, nếu quy định trên được thông qua, thời gian tới, gần 73 triệu xe máy đang lưu hành trên toàn quốc sẽ phải kiểm tra khí thải định kỳ, đạt chuẩn mới được vận hành giống như ô tô.

Nguyên nhân có đề xuất này được cho là theo báo cáo về môi trường gần đây, Bộ GTVT cho rằng, một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí trong đô thị là từ xe máy cũ. Hiện chỉ ô tô phải kiểm định định kỳ sau khi đưa ra thị trường, còn xe máy đang lưu hành chưa buộc phải kiểm định khí thải định kỳ. 

Bên cạnh đó, các đô thị lớn đang lên kế hoạch hạn chế xe cá nhân nên giải pháp kiểm soát khí thải xe máy sẽ đạt đa mục tiêu. Cơ quan soạn thảo dự luật cũng nhìn nhận, quy định trên sẽ phát sinh chi phí về tiền bạc và thời gian với chủ xe. Đổi lại, chủ xe có phương tiện an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, kéo dài tuổi thọ xe.

Theo nghiên cứu về phát thải xe máy thực hiện năm 2018 cho thấy, để đạt điều kiện khí thải, chủ xe máy cũ phải bỏ khoảng 110 nghìn đồng/xe/năm để bảo dưỡng, thay thế phụ tùng (như lọc gió, lọc dầu…); chi phí kiểm định khoảng 35 nghìn đồng/lần/năm. Đổi lại, nhờ xe vận hành tốt, chủ xe tiết kiệm được khoảng 7% nhiên liệu, tương đương hơn 170 nghìn đồng/năm….

"Việc kiểm định phát thải khí thải đối với các loại phương tiện này là hết sức cần thiết. Thực tế, đề xuất này đã có từ cách đây hơn chục năm, thế nhưng tại sao dù cần thiết như vậy song đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân đầu tiên là sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cơ giới trong khi hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng kịp thời." Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Xe máy Việt Nam chia sẻ.

Việc kiểm kiểm soát khí thải với xe máy để giảm ô nhiễm là việc làm hết sức cần thiết, loại bỏ xe cũ, nát, gây nguy hiểm không chỉ cho người đi xe mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Giải pháp này cũng phù hợp để hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn. 

Kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy mang lại những lợi ích trực tiếp gắn với môi trường, sức khỏe cũng như vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông…

Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là một lộ trình hợp lý, tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, không gây phiền phức, tốn kém cho người dân, làm thế nào để quy định này phát huy tác dụng như các nhà dự thảo và cả xã hội mong đợi, tránh tình trạng đề xuất xong rồi lại không khả thi, và ngày ngày chúng ta vẫn phải hít một lượng lớn khí thải độc hại từ những chiếc xe máy.

PV