Hồi 04 giờ ngày 07/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Móng Cái cách khoảng 180km về phía Đông Nam, cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Dự báo đến 16h ngày 07/9 vị trí 21,0 độ Vĩ Bắc, 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông Bắc Bộ; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, 15-20 km/h đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ; sức gió Cấp 11, giật cấp 13. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 4. Đến 4h ngày 08/9: Vị trí 21,6 độ Vĩ Bắc, 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Việt Bắc Bắc Bộ; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc; khoảng 15-20km/h, đi sâu vào đất liền suy yếu và tan dần; sức gió nhỏ hơn cấp 6.
Trước diễn biến của cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 và Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão, Văn phòng Chính phủ ban hành Công điện số 1479/CĐ-VPCP ngày 04/9/2024 về việc họp triển khai công tác ứng phó bão số 3. Trước đó ngày 02/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 6475/CĐ-BNN- ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc ứng phó với bão gần biển Đông.
Về phía TP. Hải Phòng, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố đã tập trung, quyết liệt kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, ban hành các văn bản, công điện; tổ chức các cuộc họp chỉ đạo công tác ứng phó phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của bão.
Bí thư Thành ủy, Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, UBND thành phố, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố đã chủ trì các đoàn kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống bão tại các địa bàn huyện quận và lĩnh vực, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách tại hiện trường.
Chiều tối ngày 06/9, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã chủ trì họp trực tuyến toàn thành phố (đến cấp xã) để kiểm điểm tình hình thực hiện và chỉ đạo bổ sung nhiệm vụ cấp bách trước khi bão đổ bộ
Các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tích cực khẩn trương thực hiện các phương án ứng phó với bão. Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin TKCN của BĐBP phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè NTTS để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân và các chủ phương tiện trên địa bàn, đặc biệt các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã ban hành các Công điện chỉ huy duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Công an thành phố chỉ đạo tăng cường công tác thường trực; rà soát, kiểm tra các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra, chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các địa phương, đơn vị tổ chức công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; kiểm tra, gia cố công trình đê điều, thủy lợi; kiểm tra đê điều, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê. Sở Xây dựng đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra, thực hiện biện pháp an toàn công trình xây dựng, hệ thống chiếu sáng công cộng, chủ động hạ mực nước đệm trong hệ thống thoát nước đề phòng mưa lớn, phòng chống gãy đổ cây xanh. Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng đãnchỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện phương án phòng chống bão, bảo vệ sản xuất.
Huyện Bạch Long Vĩ đã huy động lực lượng chằng chống nhà cửa, kho tàng; tuyên truyền, vận động các phương tiện di chuyển vào đất liền tránh trú bão. Huyện Cát Hải đã chỉ đạo, sắp xếp neo đậu tàu thuyền về các vị trí tránh trú an toàn; vận động 100% nhân dân trên các bè nuôi trồng thuỷ sản về nơi tránh trú an toàn trước 17h ngày 05/9. Các huyện, quận: Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương, An Lão, Kiến An, Kiến Thuỵ, Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh đã ban hành công điện, công văn chỉ đạo các xã, phường, đơn vị trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão; kiểm tra đôn đốc, sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai, sơ tán nhân dân và xử lý các vị trí có thể xảy ra ngập úng, ngập lụt trên địa bàn. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với bão; tổ chức trực ban; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo Kế hoạch phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn đã được phê duyệt.
Trên toàn thành phố diện tích lúa đã cấy 28.428 ha. Diện tích lúa đã trổ là 1.710 ha (5% diện tích gieo cấy), còn lại các trà lúa đang giai đoạn đứng cái – làm đòng. Diện tích rau màu hè thu đã trồng 4.204,2ha/5.800 ha; Diện tích rau hè thu còn trên đồng ruộng 1.858,8 ha; Diện tích đến kỳ thu hoạch 873 ha.
Diện tích Hoa, cây cảnh vụ Đông toàn thành phố ước 377,9 ha (hoa 78,4 ha; cây cảnh 299,5 ha). Diện tích cây ăn quả là 6.848,34 ha; Diện tích cây ăn quả đến kỳ thu hoạch: 1.681,5 ha (24,55% DT).
Tại huyện Cát Hải hiện có 181 khách; trong đó, 104 khách du lịch quốc tế và 77 khách du lịch trong nước đang lưu trú tại Cát Bà. Tại quận Đồ Sơn, hiện có 106 khách lưu trú trên địa bàn, đã được thông báo về diễn biến bão.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đến 05 giờ 00 ngày 06/9/2024 đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho: 1.794 phương tiện/5.219 lao động, 173 lồng bè/285 LĐ; 24 chòi canh/14 LĐ đang hoạt động và neo đậu diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Đến thời điểm 6 giờ ngày 07/9, TP. Hải Phòng chưa ghi nhận thiệt hại.
Hải Phong (t/h)