Trong quý IV/2023, các doanh nghiệp dệt may dần có đơn hàng trở lại, một số doanh nghiệp bắt đầu tiếp nhận những đơn hàng lớn khi thị trường dệt may “ấm” hơn do nhu cầu gia tăng nhằm phục vụ Lễ Giáng sinh và Tết năm 2024.

Trong tháng 11/2023, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) ghi nhận doanh thu hơn 557 tỷ đồng, tăng 10%; lãi sau thuế xấp xỉ 21 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, Công ty đạt doanh thu 6.564 tỷ đồng, tăng 4%; lãi sau thuế hơn 203 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 12/2023, Ban lãnh đạo TNG thông báo, Công ty đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng, ước tính đến cuối năm sẽ nâng doanh thu lên 7.030 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch và tăng 4% so với năm 2022. Theo đó, đây là mức doanh thu cao kỷ lục từ trước đến nay của TNG.

Tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM), doanh thu tháng 11/2023 đạt 11,7 triệu USD (khoảng 284,8 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 354.000 USD (khoảng 8,6 tỷ đồng). Lũy kế 11 tháng năm 2023, TCM đạt doanh thu hơn 128 triệu USD (khoảng 3.116 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế 7,52 triệu USD (khoảng 183 tỷ đồng), lần lượt giảm 25% và 29% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo TCM, kết quả kinh doanh năm 2023 suy giảm do nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may thời trang giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí đầu vào không giảm, nhưng doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất và đang có tín hiệu tích cực. Cụ thể, TCM đã nhận được khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý I/2024. Công ty kỳ vọng, tình hình sẽ cải thiện hơn vào quý II/2024, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhiều khả năng cắt giảm lãi suất, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, ngành dệt may đã đi tới cuối chu kỳ suy thoái và sẽ phục hồi dần. DSC dự báo, doanh thu quý IV/2023 của Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) sẽ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022.

Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, tính đến giữa tháng 12/2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt khoảng 40,3 tỷ USD, thấp hơn gần 10% so với năm 2022, chủ yếu do tình hình kém khả quan trong những tháng đầu năm.

Với các dấu hiệu tốt dần lên trong gần đây và kỳ vọng tích cực vào thời gian tới, Vitas đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024, tăng 9,2% so với năm 2023, tiệm cận mức kỷ lục của năm 2022.

Động lực tăng trưởng của ngành dệt may được nhìn nhận đến từ nhu cầu dần gia tăng, hàng tồn kho của các nước nhập khẩu giảm dần, mặt bằng lãi suất cho vay trong nước giảm đáng kể giúp giảm chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, bên cạnh đó là cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với các đối tác kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga.

Cùng với kỳ vọng tăng trưởng của ngành, TNG lên kế hoạch doanh thu năm 2024 tăng 5 - 10% so với năm 2023, nhất là khi Công ty đã nhận được những đơn hàng mới cho 6 tháng đầu năm 2024.

Tương tự, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (mã chứng khoán TDT) vừa giao cho Ban giám đốc Công ty kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2024 với doanh thu tiêu thụ 863,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30,5 tỷ đồng, đều cao hơn so với kế hoạch năm 2023.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài (mã chứng khoán SPB) nhìn nhận, thị trường còn nhiều yếu tố bất định nên kế hoạch sản xuất hiện nay của Công ty không tính theo quý, mà tính theo tháng. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã cố gắng có đủ đơn hàng tới hết tháng 1/2024 để chạy đủ công suất của 3 nhà máy.

Hà Trần(t/h)