Ban Bí thư chỉ rõ sai phạm đi nước ngoài sai quy định của bà Phan Thị Mỹ Thanh
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Ban Bí thư quyết định cách hết chức vụ trong Đảng đối với bà Thanh. Trong 3 sai phạm lớn được nêu ra, Ban Bí thư chỉ rõ, bà Thanh thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng quy chế về công tác đối ngoại; nhiều lần sử dụng hộ chiếu ngoại giao để đi nước ngoài với mục đích cá nhân, giải quyết việc riêng; thậm chí có lần xuất cảnh ra nước ngoài không báo cáo tổ chức theo quy định.
Theo Ban Bí thư, những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân. Căn cứ quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn QH chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.
Các ông Đinh Ngọc Thắng, Đỗ Thanh Quang nhiều lần đi nước ngoài sai quy định
Ngày 4/10/2016, ông Vương Thanh Liêm, Phó trưởng Phòng tổ chức cán bộ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi ông Trần Mã Thông, Bí thư Đảng ủy Cục, Phó cục trưởng về việc đi nước ngoài của ông Đỗ Thanh Quang (Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất), ông Đinh Ngọc Thắng (Phó cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TP. HCM). Theo đó, ông Đinh Ngọc Thắng đã 8 lần đi nước ngoài từ 2014-2016, trong đó có 1 lần đi công tác, 7 lần... nghỉ phép. 7 lần này đều có xin phép trong đó có 2 lần đi sớm 1 ngày, 1 lần về trễ một ngày. Ông Đỗ Thanh Quang từ năm 2012-2016 đi nước ngoài 20 lần, trong đó có 5 lần đi công tác, 7 lần phép khớp dữ liệu, 4 lần đi sớm về trễ so với giấy phép và 4 lần có giấy phép nhưng không thông qua phòng tổ chức cán bộ.
Một báo cáo của Cục Hải quan TP. HCM cho thấy rõ các sai phạm
Phòng Tổ chức cán bộ nhận thấy, ông Thắng đi phép đúng thẩm quyền phê duyệt nhưng đi sớm về trễ “có thể bất khả kháng về chuyến bay” (tuy nhiên không thấy nêu chứng cứ xác minh việc này). Ông Đỗ Thanh Quang các lần nghỉ phép do Cục trưởng phê duyệt đúng thẩm quyền nhưng đi sớm về trễ 4 lần thì đến ngày 30/9/2016 ông Quang đã nộp 4 giấy phép bổ sung cho việc đi sớm, về trễ. 4 lần đi phép không thông qua phòng tổ chức cán bộ thì ông Quang đã nộp lại 4 bản chính giấy phép do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương ký và đồng chí Lê Đình Lợi ký.
“Trình tự giải quyết phép: 4 lần đi phép không thông qua Phòng Tổ chức cán bộ (3 lần do đồng chí Nguyễn Thu Hương ký, 1 lần do đồng chí Lê Đình Lợi ký) là chưa đúng trình tự giải quyết cho công chức đi du lịch, chữa bệnh, thăm thân nhân nước ngoài tự túc kinh phí qui định tại tờ trình số 699/TTr-TCCB ngày 20/10/2011 đã được Cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM ký duyệt)” – báo cáo do ông Vương Thanh Liêm nêu rõ.
Vẫn theo báo cáo này, tại cuộc họp ngày 4/10/2016 của tập thể lãnh đạo Cục, ông Hoàng Việt Cường đã kết luận trường hợp ông Đinh Ngọc Thắng “là đúng theo quy định”, ông Đỗ Thanh Quang “việc nghỉ phép như thế là chưa đúng trình tự giải quyết phép, cần nhắc nhở rút kinh nghiệm”.
Ông Đinh Ngọc Thắng
Tuy nhiên, tại một báo cáo do Ban Tổ chức, Đảng ủy Cục Hải quan TP. HCM gửi Bí thư Đảng ủy Trần Mã Thông đã “lộ sáng” những góc khuất của hàng chục lần đi nước ngoài của những cán bộ trên. Theo đó, Ban tổ chức đã kiểm tra hồ sơ thì được biết, không có tên ông Đinh Ngọc Thắng trong báo cáo Bảo vệ chính trị nội bộ về tình hình đảng viên đi nước ngoài suốt từ năm 2014 đến 2016. Vì vậy báo cáo bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng ủy Cục gửi Thành ủy hàng quý cũng không có tên ông Thắng. Như vậy, trên thực tế ông Thắng đã đi 8 lần từ 2014-2016, chưa kể rất nhiều lần năm 2013 nhưng cấp ủy Đảng đã không hề quản lý, báo cáo và yêu cầu báo cáo.
Vẫn theo báo cáo trên, trong báo cáo bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng ủy Cục gửi thành ủy hàng quý thể hiện ông Đỗ Thanh Quang từ năm 2012 đến năm 2016 đã đi nước ngoài 8 lần, trong đó chỉ có 1 lần đi công tác Nhật Bản, 7 lần còn lại đều đi du lịch tự túc tại Hong Kong, Singapore, Mỹ, Cuba, UAE. Cá biệt, có lần ông Quang đi du lịch nước ngoài tới 10 ngày.
Ông Đỗ Thanh Quang
Đối chiếu hai bản báo cáo đã cho thấy sự “vênh” nhau, còn tới 12 lần ông Quang đi nước ngoài nhưng không báo cáo cấp ủy Đảng, cho dù cứ cho là có báo cáo, xin phép lãnh đạo Cục thì cũng là sai phạm về quản lý đảng viên, rất cần làm rõ trách nhiệm và lý do. Đó là chưa kể theo tìm hiểu của phóng viên tại hồ sơ hộ chiếu ông Quang tại Cục quản lý xuất nhập cảnh, càng thấy con số vênh nhiều hơn. Riêng trong năm 2015 ông Quang báo cáo chỉ đi nước ngoài 2 lần nhưng hộ chiếu cho thấy ông xuất cảnh 7 lần.
Năm 2014, ông Quang báo cáo cấp ủy đi nước ngoài 3 lần nhưng hộ chiếu thể hiện xuất cảnh 5 lần. Năm 2013, theo báo cáo ông Quang đi nước ngoài 1 lần nhưng hộ chiếu thể hiện đi 3 lần. Dư luận đặt câu hỏi có năm ông Quang đi nước ngoài tới gần 10 lần mà toàn là đi du lịch thì gần như tháng nào cũng đi, còn thời gian đâu cho việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công việc chuyên môn để ông này vẫn tiếp tục nhận các danh hiệu khen thưởng, thậm chí nhận Huân chương?
Vi phạm nghiêm trọng quy định của tổ chức Đảng
Để làm rõ, Đảng ủy Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh khẳng định ông Thắng, ông Quang đi nước ngoài xin phép và báo cáo đúng quy định, không có sai phạm gì lớn, phóng viên đã tìm hiểu một số quy định về quản lý công chức, đảng viên đi nước ngoài.
Quy định của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài
Tại điều 10 của quy định ban hành kèm theo quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 22/1/2013 của UBND TP. Hồ Chí Minh về ban hành quy định quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài nêu rõ: Đi nước ngoài về việc riêng không có thư mời đích danh hồ sơ gửi về Văn phòng UBND TP trước 7 ngày làm việc kể từ ngày cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ đi nước ngoài.
Điều 11 của văn bản này còn quy định rõ: “Sau khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định cử, cho phép đi nước ngoài, cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có trách nhiệm báo cáo và gửi cấp ủy, chi bộ nơi sinh hoạt một bản sao quyết định”. Điều này cũng quy định sau khi về nước, công chức là đảng viên phải báo cáo người đứng đầu và cấp ủy, chi bộ nơi sinh hoạt.
Điều 14 của quyết định nêu rõ, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời xem xét trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan.
Cùng với đó, phải nhắc đến một văn bản hết sức quan trọng Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, quy định về những điều đảng viên không được làm tại điểm10- nêu rõ: Cấm can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định.
Điều 25 Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013 về Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã nêu rõ có trường hợp: Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước, ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền;Tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo hoặc chưa được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi sinh hoạt nếu vi phạm ít nghiêm trọng thì phải bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Đặc biệt, theo Quy định 102-QĐ/TW ngày 5/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (thay thế Quy định số 181-QĐ/TW) thì tại khoản 1 điều 26 nêu rõ, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước, ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
d) Tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo hoặc chưa được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi sinh hoạt.
Ủy Ban Kiểm tra trung ương cần làm rõ, xử lý nghiêm minh
Rõ ràng theo những quy định trên thì việc đi nước ngoài của các ông Đinh Ngọc Thắng, Đỗ Thanh Quang đã đến mức thi hành kỷ luật, ít nhất là ở mức khiển trách.
Được biết, từ năm 2007, Phòng Tổ chức cán bộ Cục Hải quan dùng một chương trình quản lý tự động và tự in đè lên đơn xin nghỉ phép (trong nước và nước ngoài) cho nên tất cả các đơn đều có một cái số thứ tự liên tiếp. Với Chi cục trưởng đi phép phải qua Phòng Tổ chức in ghi rõ ngày đi ngày về (tự động trừ ngày thứ Bảy, Chủ nhật, lễ Tết nếu có) rồi trình Cục phó phụ trách ký. Đối với Cục phó phải trình Cục trưởng ký. Vì chương trình tự động nên số thự tự không thể chèn được. Nếu tiếp tục xác minh, làm rõ thông qua phần mềm này, sẽ lộ ra hàng loạt sai phạm khác nhưng điều khó hiểu là các cơ quan chức năng đã không thực hiện và cũng né tránh khi báo chí đề nghị cung cấp các thông tin này.
Thế nhưng lạ lùng là đến nay, sai phạm của ông Đinh Ngọc Thắng và ông Đỗ Thanh Quang vẫn chưa hề được làm rõ và xử lý, cho dù đã có nhiều đơn thư, báo chí phản ánh sai phạm này. Ngược lại, ông Đinh Ngọc Thắng vẫn được cơ cấu và được giao phụ trách Cục Hải quan TP.HCM. Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm Cục trưởng đối với ông Đinh Ngọc Thắng. Còn ông Đỗ Thanh Quang thì dư luận cho biết đã được quy hoạch và sẽ bổ nhiệm lên chức danh Phó Cục trưởng thay ông Đinh Ngọc Thắng trong thời gian tới.
Tương tự với ông Phan Minh Lê, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM là người có liên quan trách nhiệm trong vụ tiêu cực vụ 213 container hàng xuất đi Campuchia bị “mất tích” giữa năm 2015 tại cảng Cát Lái đến nay cũng chưa bị xử lý kỷ luật. Trong khi đó, vừa qua đã có 23 cán bộ, công chức của Chi cục Hải quan Khu vực 1 bị xem xét trách nhiệm còn ông Phan Minh Lê nguyên là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thì lại không hề bị xử lý.
Ông Phan Minh Lê
Thông tin này khiến dư luận cán bộ, công chức Cục Hải quan TP. HCM hết sức bất bình vì phải chăng kỷ luật của Đảng, quy định 102 của Bộ Chính trị không có hiệu lực đối với sai phạm của các ông Đinh Ngọc Thắng, Đỗ Thanh Quang?
Thông tin trên chúng tôi xin được chuyến tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, làm rõ, không thể để tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, kỷ luật Đảng, trực tiếp là Quy định 102 của Bộ Chính trị mất tác dụng, làm nghiêm với người này nhưng lại nương nhẹ với người khác.
Theo suckhoemoitruong.com.vn