Được giao quản lý các chương trình thủy lợi có diện tích tưới từ năm ha trở xuống, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn lúng túng trong việc vận hành, sửa chữa, làm cho hàng nghìn công trình không phát huy tối đa năng lực phục vụ sản xuất.
Từ năm 2012 trở về trước, công ty TNHH một thành viên Thủy nông( Công ty Thủy nông) Bắc Cạn được tỉnh giao quản lý, vận hành tất cả các công trình lớn, nhỏ trên địa bàn. Do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nhân lực ít nên công ty này không thể quản nổi. Ở nhiều công trình thủy lợi nhỏ, mỗi năm cán bộ thủy nông của công ty chỉ đến kiểm tra một, hai lần, cho nên việc nạo vét, sữa chữa hầu như không thực hiện được.
Trước thực tế đó, cán bộ ở nhiều xã và chính quyền tất cả các huyện trong các tỉnh đều kiến nghị: Kinh phí Nhà nước cấp bù thủy lợi phí là 1,2 triệu đồng/ha/vụ mà công ty Thủy nông không đảm bảo được nước tưới cho bà con, vì thế đề nghị tỉnh giao công trình thủy lợi nhỏ về cho địa phương quản lý, vận hành. Giám đốc công ty Thủy nông Bắc Cạn Nguyễn Văn Đức cũng thừa nhận: “ Công trình thủy lợi trên địa bàn nhỏ lẻ, phân tán, cán bộ ít nên công ty không tế quản lý được, giao cho các địa phương là phù hợp”.
Theo đó, từ năm 2012, những công trình thủy lợi có diện tích tưới từ năm ha trở xuống, tỉnh đã giao cho chính quyền các huyện quản lý , huyện lại giao xuống xã quản lý, vận hành với tổng số khoảng một nghìn công trình được xây dựng từ các nguồn vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thời điểm năm 2012 khi được giao quản lý, vận hành công trình thủy lợi, các xã chưa thành lập được các tổ dùng nước cho trên thực tế việc quản lý tất cả các công trình vẫn do Công ty Thủy nông đảm nhiệm.
Năm 2013, 115 trong tổng số 117 xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Cạn có tổ dùng nước, Tuy nhiên các tổ này chưa thực hiện được vai trò, chức năng của mình. Cụ thể là, theo quy định với kinh phí cấp bù thủy lợi phí số tiền là 1,2 triệu đồng/vụ/ha từ ngân sách nhà nước, các tổ dùng nước phải ký hợp đồng cấp nước cho nông dân, lập dự toán quản lý, vận hành, nạo vét, riêng việc sửa chữa phải tuân theo quy trình xây dựng cơ bản là khảo sát , lập thết kế để các cơ quan chức năng phê duyệt thì mới rút được tiền cấp bù thủy lợi phí từ ngân sách nhà nước. Do năng lực yếu cho nên hầu như không có tổ dùng nước nào thực hiện được các công việc nêu trên, do vậy không rút được số tiền cấp bù thủy lợi phí. Năm 2012, Nhà nước chi 17 tỷ đồng cấp bù thủy lợi phí cho tổ dùng nước ở các xã của tỉnh Bắc Cạn, nhưng hết năm mới chỉ “ tiêu” được khoảng năm tỷ đồng, số còn lại phải trả lại ngân sách. Ông Nguyễn Văn Đức trần tình: “ trong số năm tỷ đồng “ tiêu” được công ty Thủy nông làm giúp các thủ tục khoảng ba tỷ đồng, số còn lại (hai tỷ đồng) là hai huyện “ làm tắt” thì mới rút được đấy.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Cạn đa đưa nhiều tổ dùng nước đi tập huấn, dự tập huấn, thế nhưng nhiều tổ vẫn không thực hiện được các công việc lập dự toán sử dụng kinh phí, khảo sát, thiết kế sửa chữa công trình. Có ý kiến cho rằng, nên để ban quản lý dự án xây dựng ở các huyện quản lý … các công trình thủy lợi.
Bản chất việc Nhà nước cấp bù thủy lợi phí nhằm quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi để phát huy hiệu quả lâu dài, giúp nông dân không phải đóng góp phí sử dụng nước, đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, các tổ dùng nước trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn do năng lực yếu, không nhận thức đúng về kinh phí cấp bù thủy lợi phí không được sử dụng kịp thời vào việc duy tu, sửa chữa, quản lý công trình thủy lợi và đây quả là điều đáng tiếc. Hậu quả là hàng nghìn công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn không được duy tu, sửa chữa kịp thời dẫn đến hư hỏng ngày càng nặng, không phát huy hết tác dụng trong sản xuất, cụ thể là diện tích ở cuối công trình thường thiếu nước tưới.
Trước thực tế này, tỉnh Bắc Cạn cần có giải pháp thiết thực để củng cố các tổ máy dùng nước ở cơ sở, chính quyền cấp xã cũng cần sát sao, không nên bỏ mặc các tổ dùng nước được thành lập ra đã hơ hai năm nay mà hoạt động vẫn cứ như “ gà mắc tóc”.
Theo Thời Nay.