Theo thông tin từ cơ quan thú y, trong 2 ngày qua, tốc độ lây lan của dịch tả lợn Châu Phi đang có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã có 16 tỉnh bị nhiễm dịch bệnh này.
Sáng 14/3, thông tin từ chính quyền xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, sự việc lợn chết do nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại xã này vào ngày 12/3.
Theo đó, ngày 12/3 gia đình ông Hoàng Văn Lan (xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu) báo cáo chính quyền địa phương có 2 con lợn nái và 20 con lợn con bị chết. Nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Nghệ An đã lấy mẫu trên lợn chết tại gia đình ông Lan đem đi xét nghiệm và kết quả cho thấy mẫu kiểm tra dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Tiếp đó, chính quyền địa phương đã tiến hành phun hóa chất, vôi bột khử trùng, tiêu độc ở các hộ trong xóm 7 và các xóm tiếp giáp. Toàn bộ số lợn của gia đình ông Lan cũng được chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, các chốt chặn tại địa bàn xã được dựng lên để ngăn chặn các hộ dân mua bán, vận chuyển lợn ra vào địa bàn xã.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: PV
Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trong cuộc họp ngày 13/3 đã chỉ đạo huyện Quỳnh Lưu sớm công bố dịch, thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống và dập dịch; tiến hành khoanh vùng, lập các chốt chặn tại những khu vực phát hiện dịch nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Tính tới thời điểm hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 162 xã, 44 huyện của 16 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Sơn La và Bắc Kạn, Nghệ An, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 16.600 con.
Đặc biệt, 2 ổ dịch mới xuất hiện tại Sơn La và Bắc Cạn cho thấy, sau khi “nhảy cóc” sâu xuống các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, dịch tả lợn Châu Phi đã “quay ngược” lên các tỉnh miền núi. Tại tỉnh Sơn La, ổ dịch được phát hiện tại bản Huổi Ái, xã Mường É, huyện Thuận Châu.
Đây cũng là địa phương giáp ranh với huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, là địa phương tuần trước mới được phát hiện có dịch tả lợn Châu Phi.
Chiều 12/3 tại Bắc Kạn, kết quả xét nghiệm trên đàn heo của gia đình ông Hoàng Văn Đức (ở thôn Thôm Tà, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) đã dương tính với virus dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Ngày 13/3, lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ 19 con heo của các hộ tại khu vực này.
Ngay khi phát hiện DTHCP, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, đã tới hiện trường và chỉ đạo cơ quan chuyên môn chốt trực, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Theo chỉ đạo của tỉnh, trên tuyến Quốc lộ 3 và đường Thái Nguyên - Chợ Mới các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường và thú y sẽ triển khai kế hoạch kiểm dịch liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ heo ra vào địa bàn tỉnh qua các chốt kiểm dịch.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn sẽ thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời ứng phó dịch bệnh. Chốt kiểm dịch động vật trên tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới huy động cán bộ trực 24/24 giờ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển có dấu hiệu nghi vấn; phun khử trùng, tiêu độc các phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La, DTHCP đã xuất hiện tại tỉnh này. Ổ dịch được phát hiện tại bản Huổi Ái, xã Mường É, huyện Thuận Châu - địa phương giáp ranh với huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, là huyện đã có dịch từ vài ngày trước.
Tại Hà Nội, tính đến 17h ngày 10/3, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra ở 9 hộ, thuộc 5 xã, phường ở các quận, huyện: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn với tổng số lợn đã tiêu huỷ là 172 con.
"Hai ngày qua, Hà Nội không xuất hiện thêm ổ bệnh nào. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn căng mình ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, tiêu độc, khử trùng, không để dịch bệnh lây lan rộng" - ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khẳng định.
Hải Đăng (TH)