Những tác động tiêu cực từ nCoV

Dịch viêm nCoV đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài lục địa Trung Quốc.

Dịch được nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá có mức độ tác động còn lớn hơn so 2003 khi có đại dịch SARS. Tổn thất từ dịch dịch viêm nCoV gây ra, ước tính mức lên tới 160 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.

Là quốc gia láng giềng có quan hệ kinh tế - thương mại mật thiết với Trung Quốc, Việt Nam khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ dịch corona. Tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), GDP trong quý I/2020, có thể đạt mức 6,5% (thấp hơn từ 0,2 - 0,4% so cùng kỳ 2019), sau đó sẽ dần hồi phục từ quý II.

Bộ KH&ĐT đánh giá, dịch corona sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng. Về chỉ số giá tiêu dùng, do ảnh hưởng của dịch bệnh có thể làm tăng giá thuốc y tế, giá điện sinh hoạt.

Tuy nhiên, giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau xanh, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí có thể sẽ giảm trong ngắn hạn, do nhu cầu giảm. Ngoài ra, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm.

Theo kịch bản 1, Bộ KH&ĐT dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 so 2019 tăng 3,96%; theo kịch bản 2, dự báo CPI tăng 4,86%.

Kiểm tra ngoại quan sản phẩm tại Công ty TNHH Công nghệ NamugaKiểm tra ngoại quan sản phẩm tại Công ty TNHH Công nghệ Namuga

Xuất nhập khẩu, du lịch giảm mạnh

Cũng theo kịch bản 1 của Bộ KHĐT, ước tính kim ngạch XK quý I đạt 46,5 tỷ USD, giảm 21% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK nông sản, sản phẩm nông sản chế biến, lâm sản giảm khoảng 29%, thủy sản giảm 38%, dệt may giảm 22%...

Riêng XK sang Trung Quốc, quý I đạt 5,6 tỷ USD, giảm 25% so cùng kỳ năm trước. NK quý I ước đạt 50 tỷ USD, giảm 13% so cùng kỳ. Trong đó, NK nhóm mặt hàng tư liệu sản xuất đạt 45 tỷ USD, giảm 12%.

Kịch bản 2, ước tính XK quý II đạt 51 tỷ USD, giảm giảm 20% so cùng kỳ năm trước. NK quý II cũng ước tính giảm khoảng 16%, đạt 53 tỷ USD.

Dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực du lịch. Theo kịch bản 1, lượng khách quốc tế trong quý I giảm so với không có dịch khoảng 800.000 lượt. Theo kịch bản 2, lượng khách Trung quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt so với không có dịch. Đối với khách quốc tế đến từ các quốc gia khác, ước tính sẽ giảm khoảng 50 - 60% trong giai đoạn có dịch.

Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế là khoảng 2,3 tỷ USD. Nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Lĩnh vực vận tải cũng chịu ảnh hưởng, tăng trưởng chậm khoảng 3,5 - 5% theo các kịch bản đưa ra. Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, dịch nCoV trực tiếp làm suy giảm ngành du lịch.Tại Việt Nam, tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch... là phổ biến hiện nay.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, ảnh hưởng của dịch nCoV tới kinh tế Việt Nam là tiêu cực và qua nhiều kênh. Đầu tiên là ảnh hưởng trực tiếp đến XNK từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Hàng nông sản của Việt Nam đang bị đình trệ và không XK được.

Tiếp đó, khách du lịch Trung Quốc sẽ không vào Việt Nam, khách du lịch từ các nước khác sẽ không đến những đất nước có dịch nCoV, trong đó có Việt Nam, khiến doanh thu của ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng…

“Các DN Việt cần nhận thức rõ tình hình và cách tốt nhất là tìm những thị trường mới, chịu chấp nhận bán hàng với giá rẻ để mở rộng, khai phá các thị trường khác. Hiện tình hình rất cấp bách và cần có các biện pháp “không bình thường” để đối phó với một tình trạng không bình thường”, TS. Doanh nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, dịch nCoV đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động XNK của Việt Nam, cụ thể là các mặt hàng trái cây như thanh long, dưa hấu… Ở chiều ngược lại, nhiều loại thực phẩm, trong đó có thịt và các loại rau củ từ Trung Quốc NK vào Việt Nam đang bị hạn chế tối đa.

Biến động mạnh trên thị trường CK

Trong lĩnh vực tài chính, theo TS. Hiếu, do ảnh hưởng của dịch nCoV, chỉ số CK trên toàn thế giới đã giảm điểm, ở Việt Nam chỉ số này cũng giảm rất sâu.

Trong tháng 2, sẽ tiếp tục có những biến động mạnh trên thị trường CK và thương mại toàn cầu. Với những diễn biến của dịch bệnh như hiện nay, nếu được kiểm soát tốt, thì phải hết tháng 3 tình hình mới có thể ổn định trở lại.

Ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần theo dõi sự lây lan và phát triển của virus corona chặt chẽ, từ đó đưa đến cho người dân những thông tin chính xác nhất, giới đầu tư sẽ yên tâm, không bị hoang mang. Với thị trường tiềm năng là Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề, các DN Việt cần có những biện pháp để thay thế như XK sang các nước khác, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, đẩy mạnh chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để kích cầu tiêu dùng trong nước.

“Lĩnh vực CK, các nhà đầu tư nên bình tĩnh để theo dõi tình hình và diễn biến của dịch bệnh, không nên quá vội vàng bán tháo cổ phiếu. Đặc biệt, không nên “té nước theo mưa” để bán tháo mà không có cơ sở. Cùng với đó, theo dõi sát tình hình thị trường, nếu nhà đầu tư nào cẩn thận thì có thể chuyển dịch từ cổ phiếu, trái phiếu, công cụ tài chính mang tính rủi ro sang công cụ tài chính mang tính an toàn hơn.

Đơn cử, chuyển sang cổ phiếu của các công ty mạnh hay mua trái phiếu chính phủ để bảo đảm sự an toàn cho tài sản của mình”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Để kịp thời hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, NHNN đã ban hành văn bản - yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng lớn như du lịch, nông nghiệp, XK... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Những tác động tiêu cực còn ở nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh, thực phẩm, du lịch, giao thông… có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc các công nhân của Trung Quốc quay trở lại làm việc tại Việt Nam, cũng sẽ bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN Việt”.

Hoan Nguyễn