Điểm sáng kinh tế xã hội 11 tháng năm 2024
Điểm sáng kinh tế xã hội 11 tháng năm 2024

Một số điểm sáng sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Về lĩnh vực nông nghiệp, tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2024, cả nước đã thu hoạch được 1.403,4 nghìn ha lúa mùa, đạt 95,7% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2024 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 717,9 nghìn ha, tăng 22 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước. Đến ngày 20 tháng 11 năm 2024, toàn vùng đã thu hoạch được 414,3 nghìn ha lúa thu đông, tương đương 103,2% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích rừng trồng mới tập trung trên toàn quốc trong tháng 11 ước đạt 31,4 nghìn ha, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.366,2 nghìn m³, tăng 7,5%. Tính chung trong mười một tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 263,9 nghìn ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 89,3 triệu cây, tăng 3,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 20.855,8 nghìn m³, tăng 7,9%; trong khi đó, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.585,9 ha, giảm 7,8%.

Sản lượng thủy sản trong tháng 11 năm 2024 ước đạt 864,8 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong mười một tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 8.754,6 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực

Về lĩnh vực công nghiệp, trong tháng 11 năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong mười một tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (trong cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,9%).

Cụ thể, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong mười một tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên toàn quốc.

Số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp vào thời điểm 01/11/2024 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của một số địa phương 11 tháng năm 2024.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của một số địa phương 11 tháng năm 2024. (Ảnh: Tổng cục Thống kê)

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 31,28 tỷ USD

Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tích cực thúc đẩy. Trong tháng 11 năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 75,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong mười một tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư này ước đạt 572,0 nghìn tỷ đồng, tương ứng 73,5% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 là 76,3% và tăng 24,3%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/11/2024, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt 31,38 tỷ USD, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong mười một tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mười một tháng năm 2024, Việt Nam đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 151 dự án ra nước ngoài với tổng vốn 555,2 triệu USD; có 22 dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh là 43,5 triệu USD. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh) trong mười một tháng đạt 598,7 triệu USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 11/2024 ước đạt 139,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước mười một tháng năm 2024 ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán năm và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 11/2024 ước đạt 170,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế mười một tháng năm 2024 ước đạt 1.560,7 nghìn tỷ đồng, bằng 73,6% dự toán năm và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá 11 tháng năm 2024.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá 11 tháng năm 2024. (Ảnh: Tổng cục Thống kê)

Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng

Trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước nhưng tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch này ước đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4% và nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận xuất siêu 24,31 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ 11 tháng năm 2024 đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%. Có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ 11 tháng năm 2024 đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỷ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219,57 tỷ USD, tăng 15,2%. Có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).

Về thị trường xuất, nhập khẩu trong tháng 11 năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD, trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 130,2 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng Mười Một sơ bộ xuất siêu 1,06 tỷ USD. Tính chung trong mười một tháng, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ cũng xuất siêu 24,31 tỷ USD (so với 26,2 tỷ USD cùng kỳ năm trước). Khu vực kinh tế trong nước ghi nhận nhập siêu 22,17 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) xuất siêu 46,48 tỷ USD.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2024 đạt 1,7 triệu lượt, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong mười một tháng, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,8 triệu lượt, tăng 41,0% so với năm trước. Vận tải hành khách trong tháng 11/2024 ước đạt 464,7 triệu lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, với luân chuyển đạt 23,8 tỷ lượt khách.km, tăng 12,0%. Tính chung trong mười một tháng năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 4.596,7 triệu lượt, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, với luân chuyển đạt 250,9 tỷ lượt khách.km, tăng 11,6%.

Vận tải hàng hóa trong tháng 11/2024 ước đạt 246,2 triệu tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, với luân chuyển đạt 49,6 tỷ tấn.km, tăng 14,4%. Tính chung mười một tháng năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 2.420,4 triệu tấn, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, với luân chuyển đạt 493,5 tỷ tấn.km, tăng 11,5%.

Vận tải hàng hóa và khách quốc tế đến Việt Nam đều tăng
Vận tải hàng hóa và khách quốc tế đến Việt Nam đều tăng (Ảnh: Tổng cục Thống kê)

Ngoài ra, công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong mười một tháng năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 21,8 nghìn tấn gạo, trong đó: Chính phủ hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693,4 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ hơn 5,9 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho 396,3 nghìn nhân khẩu; các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ gần 5 nghìn tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.

Thanh Lam