Theo PGS.TS Nguyễn Chí Hải, nguyên Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM thì việc nhận diện các động lực tăng trưởng để phát huy có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, nhận diện được thì mới điều hành và phát huy, phát triển nền kinh tế trong năm 2024 tốt nhất.

Ảnh internet.
Điểm tên 08 động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh internet.

Có 08 động lực gồm:

Thứ nhất, sự ổn định và phát triển theo chiều sâu của ngành nông nghiệp vẫn là một lợi thế và cột trụ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm 2024. Khai thác lợi thế cạnh tranh và năng lực đổi mới sản phẩm, nắm bắt thị trường sẽ giúp ngành nông nghiệp tiếp tục gia tăng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.

Thứ hai, sự hồi phục của ngành công nghiệp là nhân tố quan trọng, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng mà còn thúc đẩy gia tăng xuất - nhập khẩu năm 2024. Những nỗ lực của các doanh nghiệp công nghiệp, sự "ấm dần" của thị trường quốc tế, cho phép dự báo tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp từng bước được khôi phục và phát triển trong năm 2024.

Thứ ba, tăng trưởng ngoại thương sụt giảm năm 2023 được dự báo sẽ được hồi phục trong năm 2024. Các tín hiệu hồi phục đã xuất hiện từ quý III, đặc biệt là các tháng cuối năm 2023, sẽ thúc đẩy mặt trận xuất khẩu trong năm 2024 và tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế năm 2024.

Điểm tên 08 động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh internet.
Điểm tên 08 động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh internet.

Thứ tư, khu vực dịch vụ có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế và đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2023. Năm 2024, sự ấm lên của thị trường bất động sản sẽ giúp "kích hoạt" nhiều ngành nghề và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Du lịch khởi sắc năm 2023, dự báo nếu có chính sách tích cực, sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024 và là động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Như vậy dưới góc độ tổng cung, dư địa tăng trưởng của năm 2024 đều có tín hiệu khả quan, trong đó động lực mạnh mẽ của năm 2024 sẽ là sự hồi phục của sản xuất công nghiệp, đóng góp của hoạt động xuất khẩu hàng hóa và sự "ấm lên" của thị trường bất động sản.

Thứ năm, dưới góc độ tổng cầu, gia tăng tiêu dùng trong nước sẽ có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng năm 2024. Các chính sách vĩ mô đã được thực hiện từ năm 2023 như giảm thuế VAT, hỗ trợ người tiêu dùng thông qua giảm phí, lệ phí… cần tiếp tục thực hiện trong năm 2024, thậm chí có thể tăng mức giảm thuế VAT từ 3 - 5 %; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, nỗ lực giảm giá hàng hóa - dịch vụ từ phía các doanh nghiệp, các hình thức khuyến mãi mua sắm, chi tiêu du lịch trong nước… sẽ góp phần gia tăng sức mua nội địa vốn bị suy giảm từ thời dịch bệnh COVID-19.

Điểm tên 08 động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh internet.
Điểm tên 08 động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh internet.

Thứ sáu, năm 2024 chi tiêu công của Chính phủ, đặc biệt là đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng về phía tổng cầu, đồng thời gia tăng được nội lực của nền kinh tế. Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các "nút thắt" về thủ tục tài chính, sự hợp tác linh hoạt và nhanh chóng giữa bộ ngành - địa phương - các nhà đầu tư… cần được đẩy mạnh hơn trong năm 2024.

Thứ bảy, sự giảm sút của đầu tư tư nhân trong năm 2023 cần được khơi thông mạnh mẽ và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở tái cấu trúc ngành nghề, sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường đầu ra, khuyến khích đầu tư vào kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo,… Sự "ấm lên" của đầu tư tư nhân sẽ là nhân tố hết sức quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Thứ tám, động lực mới đến từ ngoại giao kinh tế sẽ là "đột phá" quan trọng của Việt Nam trong năm 2024. Các sự kiện ngoại giao quan trọng vào cuối năm 2023, đó là việc nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Mỹ và giữa Việt Nam với Nhật Bản đã mở ra cơ hội mới để Việt Nam mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế quốc tế.

Dự báo trong năm 2024, nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dựa vào thị trường nội địa, đầu tư công và phát triển các ngành kinh tế mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn gia tăng khả quan.
Thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn gia tăng khả quan.

Đặc biệt, với việc các tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Apple, Google, Walmart, Boeing… nghiên cứu đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Các công ty lớn của Mỹ cũng đặc biệt quan tâm đến khai thác tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch, đào tao nhân lực chất lượng cao.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ đạt gần 111 tỷ USD, tiếp tục duy trì là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024 với sự tiếp tục "ấm lên" và gia tăng sức mua tại thị trường nội địa của Mỹ, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là hàng nông sản và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Có thể nói, quan hệ kinh tế Việt - Mỹ và các nước khác không chỉ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, mà sẽ là "sung lực" mới cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

PV (t/h)