Trên thị trường, cơ cấu tài sản đầu tư của các công ty bảo hiểm là việc tăng nhanh tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm trái phiếu có bảo lãnh và không bảo lãnh) và đầu tư cổ phiếu.
Trên thị trường, cơ cấu tài sản đầu tư của các công ty bảo hiểm là việc tăng nhanh tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm trái phiếu có bảo lãnh và không bảo lãnh) và đầu tư cổ phiếu.

Theo số liệu của Mirae Asset, năm 2023 là thời gian đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, chủ yếu ở việc khách hàng kết thúc hợp đồng bảo hiểm trước hạn làm gia tăng chi phí. Tuy nhiên, nhờ hoạt động tài chính cải thiện, toàn bộ các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trong năm 2023, tổng cộng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết đã tăng trưởng 36,2% so với 2022.

“Danh mục đầu tư của ngành bảo hiểm đã có những sự thay đổi lớn về cơ cấu tài sản. Các công ty bảo hiểm đã giảm mạnh tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu chính phủ, từ mức 57% trong năm 2015 xuống mức 36% vào cuối năm 2022, theo Mirae Asset.

Cũng theo Mirae Asset, các doanh nghiệp bảo hiểm đã hướng đến các tài sản đầu tư có suất sinh lợi cao hơn, trong đó lớn nhất là tỷ trọng phân bổ vào các hợp đồng tiền gửi tại tổ chức tín dụng. Tỷ trọng đầu tư vào tiền gửi đã tăng từ 30% của năm 2015 lên mức 44% vào năm 2022 và trở thành tài sản có tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của ngành bảo hiểm.

Một điểm đáng chú ý khác khi các doanh nghiệp bảo hiểm cũng bắt đầu tăng nhanh tỷ trọng đầu tư vào Trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm có bảo lãnh và không bảo lãnh) và đầu tư cổ phiếu. Tỷ trọng đầu tư vào các tài sản này đã tăng từ 6% trong năm 2015 lên 16% vào năm 2022.

Xét về cơ cấu tài sản đầu tư, các công ty bảo hiểm đang đầu tư mạnh tay vào trái phiếu doanh nghiệp phải kể tới Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo Minh (BMI), Bảo hiểm Quân đội (MIG)...

Cơ cấu các tài sản đầu tư của một số doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết.
Cơ cấu các tài sản đầu tư của một số doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết.

Cụ thể hơn, báo cáo tài chính quý I/2024 của Tập đoàn Bảo Việt (Mã CK: BVH), tính tới 31/3/2024, tại mục chứng khoán kinh doanh, BVH sở hữu 2.613,2 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, 89,8 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết, 283,3 tỷ đồng chứng chỉ quỹ và 307,2 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, BVH ghi nhận 1.024,7 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn và 16.967,2 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp dài hạn tại mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. “Trái phiếu doanh nghiệp mà Tập đoàn đầu tư có kỳ hạn từ 7-10 năm và được hưởng lãi suất từ 6,25%/năm đến 7,6%/năm”, báo cáo của Bảo Việt.

Như vậy, tính tới cuối quý I/2024, BVH đang đầu tư khoảng hơn 18.299 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp.

Tại Công ty cổ phần PVI (PVI) cũng là một doanh nghiệp bảo hiểm đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Tại báo cáo tài chính quý I/2024 của PVI, PVI đang tại mục chứng khoán kinh doanh, PVI đang đầu tư 399,3 tỷ đồng cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 30% và 927,9 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 70% tại mục này.

Tại mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, PVI sở hữu hơn 1.529 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn (chiếm 17% khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ngắn hạn) và 1.087 tỷ đồng trái phiếu dài hạn (chiếm 31% khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn dài hạn).

Khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo được ghi nhận là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ngắn hạn và kỳ hạn còn lại trên 12 tháng được ghi nhận là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn dài hạn.

Còn tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), báo cáo tài chính quý I/2024 ghi nhận khoản đầu tư ngắn hạn 545,6 tỷ đồng vào trái phiếu và 100 tỷ đồng đầu tư trái phiếu dài hạn. Khoản đầu tư này chiếm tỷ trọng 12,9% khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của Công ty.

Minh An (t/h)