Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục gây lo ngại về số lượng, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở Châu Âu-Châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như: Mỹ, Đức Anh, Ấn Độ, Nga và Brazil và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 170.000 ca), trong khi Ấn Độ cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.200 ca.
Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện có hơn 135,9 triệu ca nhiễm, trong đó có 1.638.777 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai về số ca nhiễm, hiện là hơn 104,5 triệu ca. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ hai về số ca tử vong, với 1.341.740 ca.
Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, hiện là hơn 78 triệu ca nhiễm và 926.029 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với hơn 42,2 triệu ca nhiễm, trong đó có 502.905 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với hơn 26,5 triệu ca nhiễm. Đáng chú ý, Brazil ngày 07/02 phát hiện 5 ca nhiễm biến thể “Omicron tàng hình”, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron.
Trong khi đó, tình hình lây lan dịch bệnh tại Nga đang có dấu hiệu giảm. Nước này ghi nhận 171.905 ca nhiễm mới, lần đầu tiên giảm kể từ ngày 10/01. Biến thể Omicron đã được ghi nhận tại 84 trong tổng số 85 tỉnh trên cả nước.
Trong nỗ lực sống chung an toàn với Covid-19, Australia thông báo chính thức mở cửa biên giới cho tất cả các du khách quốc tế, các loại thị thực kể từ ngày 21/2, với điều kiện những người này tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine ngừa Covid-19. Những người chưa được tiêm vaccine phải nộp đơn xin miễn trừ y tế nếu muốn nhập cảnh vào Australia và sẽ phải cung cấp bằng chứng rằng họ không thể tiêm vì lý do y tế.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã cho phép trường học tự quyết định hình thức học, tiếp tục học trực tiếp hay chuyển sang học từ xa tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại trường. Tuy nhiên, mỗi trường học sẽ được khuyến cáo không chuyển sang học từ xa hoàn toàn theo kế hoạch mới nếu 3% số học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc 15% phải tự cách ly do nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19.
Về phía Nhật Bản chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 -11 tuổi vào đầu tháng Ba tới. Một số địa phương đang lên kế hoạch lập các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn song song với việc tiêm chủng ở các bệnh viện. Vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi sẽ khác với loại vaccine được sử dụng để tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên về liều lượng, thời hạn bảo quản và khoảng cách giữa hai mũi tiêm (tối thiểu 3 tuần).
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23h59 ngày 07/02, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 64.142 ca mắc mới Covid-19 và 232 ca tử vong.
Tới hết ngày 07/02, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 17.185.632 trường hợp và 315.308 ca tử vong. Trong ngày 07/02, Indonesia có số ca mắc mới (trên 32.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi Việt Nam ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (84).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á phải tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Trang Nguyễn