Thị trường đã kết thúc tháng 10/2023 với phiên giao dịch giảm điểm mạnh, diễn biến tiêu cực áp đảo khi VN-Index giảm 14,21 điểm (-1,36%), thanh khoản giá tăng mạnh so với phiên trước thể hiện áp lực bán mạnh đột biến. Qua đó, VN-Index kết thúc tháng 10/2023 giảm mạnh 10,91% so với tháng trước về mức 1.028,19 điểm, tiếp tục duy trì 02 tháng giảm điểm mạnh, VN-Index quay trở về vùng giá mở đầu năm 2023. Hai tháng giảm điểm mạnh lấy đi nổ lực phục hồi tăng điểm trong 02 quý đầu năm 2023. HNX-Index kết thúc tháng 10/2023 giảm mạnh 12,73% về mức 206,77 điểm. Tâm lý tiêu cực, độ rộng trên 02 sàn niêm yết rất tiêu cực trong phiên cuối tháng 10 với áp lực bán áp đảo khi có 579 mã giảm giá (51 mã giảm sàn), 103 mã tăng giá (10 mã tăng trần) và 102 mã giữ giá tham chiếu.

VN-Index kết thúc tháng 10/2023 giảm mạnh 10,91% so với tháng trước về mức 1.028,19 điểm.
VN-Index kết thúc tháng 10/2023 giảm mạnh 10,91% so với tháng trước về mức 1.028,19 điểm.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 01/11/2023, dù có nhịp hồi kỹ thuật trở lại lúc đầu phiên, nhưng lực cầu yếu, trong khi lực bán luôn chực chờ mỗi nhịp hồi khiến VN-Index nhanh chóng yếu đà, quay trở lại xu hướng giảm. Đà giảm sau đó được nới rộng dần xuyên qua ngưỡng hỗ trợ 1.025 điểm một cách dễ dàng để tiếp cận với vùng hỗ trợ tiếp theo lại 1.015 - 1.020 điểm. Tuy nhiên, nếu không có sự cải thiện về dòng tiền, thì ngưỡng hỗ trợ này cũng có khả năng bị phá một cách dễ dàng, khi đó đích đến của VN-Index có thể là vùng 1.000 điểm (+/-).

Đáng chú ý, nhóm chứng khoán và ngân hàng có giao dịch tích cực, hỗ trợ cho nhịp hồi kỹ thuật của thị trường đầu phiên, nhưng đà tăng của 02 nhóm này hạ nhiệt dần, trong khi các nhóm khác đang chịu sức ép cung lớn như bất động sản, dầu khí, thép. Trong đó, nhóm bất động sản số mã tăng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là sắc đỏ bao trùm, thậm chí đã xuất hiện mã giảm kịch sàn là PDR, cùng với đó là hàng loạt mã giảm mạnh trên 5% như FIR, QCG, VPH, TDH. Các mã dẫn dắt dòng tiền như DXG, DIG, NVL… cũng chìm trong sắc đỏ.

Các cổ phiếu họ Vin cũng giảm khá với VHM giảm 3%, VIC giảm 1,7%, VRE giảm khiêm tốn hơn khi chỉ mất 0,2%.

Nhóm dầu khí cũng chỉ có một vài sắc xanh le lói, còn lại là chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm khiêm tốn hơn nhóm bất động sản khi chỉ mất trên dưới 1% giá trị; Nhóm thép chỉ còn mã đầu ngành HPG giữ sắc xanh nhạt, cùng HSG, DTL và VCA giữ tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó TNA giảm hơn 6% và SMC giảm hơn 4%.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, đà giảm của thị trường có thể vẫn còn tiếp diễn và ngưỡng hỗ trợ gần của VN-Index là khu vực 1.015 điểm, xa hơn là quanh 1.000 điểm. Hiện tại, thị trường đang trong trạng thái quá bán và có thể có các nhịp hồi phục kỹ thuật trong giai đoạn tới, tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn là khá cao và các nhịp hồi kỹ thuật thường kết thúc bất ngờ khó dự báo.

Về góc nhìn trung hạn, với việc VN-Index thủng hỗ trợ 1.150 điểm và 1.135 điểm lần thứ hai và hồi phục yếu xác nhận  xu hướng uptrend của thị trường đã kết thúc, thị trường cần vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại, do biên độ dao động rộng nên thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài. Điểm số VN-Index đang trở lại khu vực tích lũy trung hạn 1.000 điểm – 1.100 điểm và rất có khả năng thị trường sẽ tích lũy lại quanh khu vực này một lần nữa.

“VN-Index vẫn còn rủi ro tiếp tục giảm điểm về các ngưỡng hỗ trợ tiếp theo nhưng cũng có thể phục hồi  kỹ thuật trong các phiên tới. Nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài quan sát diễn biến thị trường và tranh thủ các nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu nếu đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao. Với nhà đầu tư trung, dài hạn thì thị trường vẫn đã được xác nhận là qua đáy downtrend tại 950 điểm mặc dù hiện tại xu hướng uptrend kết thúc nhưng khả năng cao thị trường sẽ đi vào vùng tích lũy lại, do đó, nhà đầu tư dài hạn không cần quá lo ngại, nếu cơ cấu tốt từ đầu sóng thì có thể tiếp tục nắm giữ danh mục chờ thị trường ổn định trở lại”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.

Minh An(t/h)