Sau phiên giảm điểm mạnh “đột biến”, VN-Index đã phục hồi trở lại vùng giá quanh 1.165 điểm trong phiên giao dịch chiều. Áp lực bán gia tăng mạnh hơn ở gần cuối phiên chiều khiến cho VN-Index đảo chiều và không giữ được vùng hỗ trợ 1.150 điểm, tương ứng giá thấp nhất tháng 8/2023.
Kết phiên giao dịch ngày 26/9, VN-Index giảm 15,24 điểm (-1,32%) về mức 1.137,96. HNX-INndex giảm nhẹ hơn 1,75 điểm (-0,76%) về 229,75 điểm. Độ rộng trên sàn vẫn tiêu cực với tổng cộng 446 mã giảm giá (37 mã giảm sàn), 242 mã tăng giá (9 mã tăng trần) và 110 mã giá tham chiếu. Thanh khoản trên hai sàn đạt 23.806,6 tỷ đồng, giảm 9,1% so với áp lực bán phiên trước, tuy nhiên vẫn luân phiên ở rmức cao, trên mức trung bình, thể hiện áp lực bán vẫn gia tăng ở nhiều mã, nhóm mã.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau những phiên giảm mạnh đã phục hồi trở lại bên cạnh những thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức họp bàn với các Ngân hàng lưu ký để chia sẻ và trao đổi mô hình cho giải pháp tháo gỡ vấn đề ký quỹ trước giao dịch ngày 26/9, đa số phục hồi với thanh khoản thấp như: MBS (+5,08%), SHS (+1,86%), SSI (+1,81%), HCM (+1,18%)... ngoài các mã vẫn chịu áp lực bán như: VIX (-5,14%), VDS (-3,47%), AGR (-3,47%), PSI (-3,16%)...
Trong phiên hôm qua 26/9, dù nỗ lực hồi trở lại, nhưng trước áp lực bán còn rất mạnh, VN-Index đã thêm một lần lao mạnh cuối phiên với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử.
Trở lại với phiên giao dịch sáng nay 27/9, cũng giống như phiên sáng qua, sau đà giảm mạnh của các phiên trước đó, thị trường đã bật dậy trên nền giá thấp. Tuy nhiên, lực cầu thận trọng, trong khi lực bán luôn chực chờ mỗi lúc thị trường hồi khiến đà hồi không vững, khiến VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu, thanh khoản cũng thấp hơn các phiên gần đây. Trên bảng điện tử, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế so với sắc xanh, nhưng nhờ một số mã lớn còn giữ được đà tăng nhẹ như VCB, BID, VRE, SSI, MSN, MBB nên VN-Index không giảm sâu.
Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận những phiên giảm mạnh. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường đã hai lần chứng kiến phiên bán tháo dữ dội. Tại phiên giao dịch ngày 25/9, VN-Index mất 39,85 điểm. Trước đó, ngày 18/8, sàn này cũng bốc hơi 55,49 điểm. Ngoài ra, có nhiều phiên thị trường rơi vào thế giằng co, chỉ số giảm mạnh nhưng sau đó hồi phục về cuối phiên. Đáng chú ý, liên tiếp 4 phiên gần đây, hàng loạt cổ phiếu rơi tự do khiến chỉ số VN-Index “bốc hơi” tới tổng cộng 88 điểm, mất mốc 1.200 điểm.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng chứng khoán lao dốc này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn mở khả năng sẽ tăng lãi suất từ nay tới cuối năm. Kể từ tháng 3/2022, FED đã nâng lãi suất 11 lần, nhằm hạ nhiệt lạm phát vẫn đang gấp đôi mục tiêu. Hiện tại, lãi suất tham chiếu tại Mỹ vào khoảng 5,25 - 5,5%, cao nhất kể từ năm 2001. Ảnh hưởng của TTCK toàn cầu cũng như những áp lực trong nước liên quan tới vấn đề tỷ giá đã khiến TTCK Việt Nam cũng chịu áp lực bán tháo trong những phiên gần đây.
“Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của NHNN. Việc hút thanh khoản đồng nghĩa với thu hẹp lượng tiền trong lưu thông nhưng điều đó không có nghĩa là NHNN đang áp dụng chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt. Ngược lại, NHNN đang thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ để hổ trợ nền kinh tế đang trì trệ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Minh An(T/h)