Mới đây, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2017; đồng thời yêu cầu các bộ Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án đề nghị Quốc hội phê chuẩn vấn đề tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp UDCNC - được đánh giá có tín hiệu đáng mừng cho bài toán đất đai và nguồn vốn - là 2 trở ngại chính đối với phát triển nông nghiệp UDCNC. Điều này, thể hiện quyết tâm và cam kết của Chính phủ trong phát triển nông nghiệp.

Diễn đàn “Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao” - Hình 1

GS. TS. Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Chủ tịch Hội Làm vườn VN phát biểu tại diễn đàn

Diễn đàn diễn ra trong 2 ngày (14 - 15/9/2017), với sự ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Làm vườn VN, Báo Kinh tế nông thôn đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn nhằm thu thập ý kiến của các cá nhân, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp CNC, lĩnh vực phụ trợ cho nghành nông nghiệp về những vướng mắc và những đề xuất cần tháo gỡ.

Diễn đàn đã diễn ra sôi nổi giữa các cá nhân, DN cùng trao đổi kinh nghiệm và tìm hướng đi phù hợp nhằm nâng cao vị thế của DN.

Theo đại biểu Ninh Thị Ty, CT HĐQT kiêm TGĐ Công ty Hồ Gươm: Quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp sạch thiếu, luôn trong tình trạng phải đàm phán với dân và bài toán xuất ra còn rất nan giải.

Bà Ty cho rằng, sản phẩm trong nước không thua kém hàng nhập, tuy nhiên vẫn không được sự đón nhận từ phía NTD. Vậy nên, cần tuyên truyền vận động người dân hiểu đúng hơn về nguồn nông sản trong nước, cũng như tập trung vào quỹ đất; cần đánh thuế đất để người dân có ý thức hơn trong việc sử dụng đất hợp lý, không bỏ hoang hóa.

Đề xuất của một đại biểu tại Hòa Bình: Ngoài việc cần có một quỹ đất nhất định để phát triển nông nghiệp, cần hỗ trợ về nguồn vốn thủ tục nhanh gọn hơn để không làm gián đoạn quá trình sản xuất...

Các ý kiến của các đại biểu được ghi nhận và đánh giá cao, góp phần hoàn thiện đề án để sử dụng gói tín dụng 100.000 tỷ có hiệu quả.

Linh Tuệ