Đồng bào DTTS huyện Bắc Trà My phát triển trồng rừng gỗ lớn nhờ vốn vay theo Nghị định 28
Bước tiến mới ở vùng DTTS
Có dịp về từng thôn, bản ở huyện vùng cao Bắc Trà My mới thấy rõ sự đổi thay trong đời sống đồng bào DTTS nơi đây. Cùng với chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy với nhiều chương trình hành động, kế hoạch nhằm xây dựng hệ thống chính trị, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn là sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận trong Nhân dân trong công cuộc xây dựng quê hương.
Được trợ giúp về hồ sơ, thủ tục của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Trà My, năm 2023, gia đình ông Nguyễn Văn Khang, dân tộc Cor, ở thôn 1, xã Trà Giang đã được giải ngân 100 triệu đồng vốn vay theo Nghị định 28 để đầu tư trồng 20 nghìn cây keo trên diện tích 5ha vùng đồi núi.
“Đến thời đểm này, cây keo đang sinh trưởng tốt vì phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Tôi trồng keo theo phương thức rừng gỗ lớn, dự kiến thu hoạch sau 7 năm, tăng thời gian trồng để nâng cao giá trị của cây keo”, ông Khang chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thẩn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Trà Giang, trên địa bàn xã hiện có 30 hộ đồng bào DTTS vay vốn theo Nghị định 28 với tổng dư nợ 2,2 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay vốn có cuộc sống khó khăn, trước đây chủ yếu đi làm thuê bằng nghề phát cỏ, dọn rẫy. Nay có nguồn vốn vay đầu tư trồng keo, họ rất quyết tâm, chăm sóc cây trồng rất kỹ.
“Nguồn vốn cho vay theo Nghị định 28 đã trở thành “bà đỡ” giúp người dân vùng đồng bào DTTS có điều kiện đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Vốn vay 100 triệu đồng, thời hạn 7 năm trả nợ gốc, lãi suất chỉ hơn 3%/năm là ưu đãi rất lớn”, bà Thẩn chia sẻ.
Ở huyện Bắc Trà My, những năm gần đây, với nguồn lực từ các Chương trình MTQG, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có những bước tiến mới, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm 2 - 3%/năm, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở các xã vùng cao đã biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá. Điển hình như ông Trần Ngọc Liên, dân tộc Xê Đăng, ở thôn 1, xã Trà Giáp đã cần mẫn chăm sóc 2ha quế từ hơn 10 năm qua
Ông Liên nhẩm tính, gia đình hiện có 2ha quế đến kỳ thu hoạch, với giá vỏ khô trên thị trường hiện nay 80 nghìn đồng/kg, vườn quế có thể mang về cho ông hằng trăm triệu đồng mỗi năm. Để gìn giữ nguồn quế bản địa, ông Liên còn tự tay ươm giống quế Trà My từ hạt của những cây quế gốc được bảo tồn để bán cho người dân trong và ngoài xã.
Trồng rừng gỗ lớn mở ra cơ hội cho đồng bào DTTS cải thiện đời sống, giúp cộng đồng bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định, từ nguồn lực của các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719, người dân đã có ý thức chủ động chỉnh trang, xây dựng nhà cửa, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống.
Cùng với đó, các chính sách như vay vốn cho hộ nghèo đồng bào DTTS, hỗ trợ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế… được huyện thực hiện đầy đủ, góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đồng bào DTTS ngại thay đổi, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước. “Đây chính là rào cản sự phát triển, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS của huyện còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện”, ông Vũ nhận định.
Tính đến cuối năm 2023, Bắc Trà My có 4.013 hộ nghèo (tỷ lệ 34,56%), phần lớn hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS. Kết quả công tác giảm nghèo là nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn và sự đoàn kết, đồng lòng của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Trà My. Huyện đang hướng tới đạt mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025, vì thế những khó khăn trong giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS đang được tập trung tháo gỡ bằng nhiều giải pháp.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My: Huyện xác định, trong thời gian tới sẽ tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Mục tiêu là tập trung thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Mặt khác, thực hiện quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển, cải thiện đời sống của Nhân dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Huyện Bắc Trà My có tổng dân số 48.488 người (11.612 hộ), trong đó có 26.813 người DTTS (6.345 hộ) với 27 thành phần dân tộc, bao gồm Xê Đăng (Ca Dong) 40,2%, Co 11,24%, Mơ Nông 1,83 %, các DTTS khác chiếm 2,02% (Thái, Tày, Nùng, Mường, Hre, Cơ Tu, Chăm…). Trong đó, các dân tộc Xê Đăng (Ca Dong), Co, Mơ Nông là người địa phương sinh sống lâu đời.
T. Hương (Nguồn: https://baodantoc.vn/)