THCL Ngày 6/11, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Điều chỉnh viện phí - Chất lượng KCB sẽ ra sao?”.
Tham dự tọa đàm có các khách mời: Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam và ông Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng.
Dự kiến cuối năm nay giá của 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng. Mức giá này mới này sẽ được điều chỉnh tăng bao nhiêu so với hiện nay, người bệnh được hưởng lợi gì, chất lượng khám chữa bệnh (KCB) có đáp ứng nhu cầu của người dân hay không?
Theo ông Nguyễn Nam Liên, sắp tới ngành y tế, Bộ Tài chính, BHXH sẽ ban hành thông tư quy định giá dịch vụ KCB thống nhất trong toàn quốc. Dự kiến chia thành 2 giai đoạn: từ nay tới hết năm 2015 theo hướng tính đủ chi phí trực tiếp và thêm phần phụ cấp đặc thù (tiền trực 24/24h), phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Đến khoảng tháng 3/2016, giá này sẽ được tính thêm lương của cán bộ y tế.
“Trước mắt nếu có tính vào giá thì mức tăng không nhiều, tiền khám bệnh về cơ bản không tăng”, ông Liên cho hay.
Đại diện đơn vị có nghiên cứu lâu năm về y tế, ông Trần Tuấn cho rằng chất lượng dịch vụ y tế hiện nay chưa đồng nhất theo các loại dịch vụ khác nhau. Đánh giá giữa khả năng chi trả của người dân và dịch vụ y tế thì phải phụ thuộc vào tình huống thực tế.
Chất lượng dịch vụ y tế có nhiều yếu tố ảnh hưởng, từ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, nên sự điều chỉnh nói rằng chất lượng dịch vụ y tế tăng chỉ là tương đối ở mức độ nào và ở tuyến nào. Điều chỉnh sẽ có nguồn thu thêm nhưng không đáng bao nhiêu vì nhà nước đang có xu hướng cắt giảm ngân sách nên chưa chắc chất lượng đã tăng được nhiều như mong đợi.
“Khi tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế sẽ thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, cũng là giải pháp và cơ cấu lại ngân sách ngành y tế. Hy vọng rằng, phần ngân sách có thể dùng cho rất nhiều việc cần phải làm như chi cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. BHYT là nơi nhận tiền trực tiếp từ dân, như vậy họ phải chịu trách nhiệm quản lỷ quỹ đó và xem xét các chất lương dịch vụ tế”, ông Tuấn nói.
Còn theo ông Phạm Lương Sơn: Khi chia thành 2 giai đoạn, những đối tượng được BHYT chi trả 100% thì không bị ảnh hưởng, nhưng đối tượng đồng chi trả hoặc không có thẻ BHYT đương nhiên sẽ chịu tác động.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Liên cho biết thêm: Với nhóm đồng chi trả thì luật có giải pháp cụ thể: những đối tượng đóng BHYT 5 năm liên tục trở lên nếu chi phí KCB phần đồng chi trả vượt qua 6 tháng lương cơ bản thì BHXH sẽ thanh toán phần vượt này. Đây được coi là quy định bổ sung kịp thời để hỗ trợ nhóm này.
Đoàn Huế (TH&CL)