Ảnh minh họa
Theo phân tích của ông Hồng Anh, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền tảng, điều kiện, tích lũy tư bản chưa có nhiều. Trong thời điểm dịch bệnh, nếu không có kế hoạch phát triển hậu dịch thì vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ, thâm chí còn có thể ảnh hưởng đến ngân hàng.
“Khoảng 2 tháng nữa thì ngân hàng cũng sẽ rơi vào khó khăn. Vay tiêu dùng, vay bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng. Tôi khuyên doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kế hoạch tốt hậu dịch thì không nên vay. Doanh nghiệp có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản hơn thì kiếm dự trữ mới thật tốt, trong nguy có cơ, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt sẽ như lò xo bật lại, phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn”, ông Hồng Anh chia sẻ.
Đánh giá cao về gói giải cứu của Chính phủ, Chủ tịch Đặng Hồng Anh cho rằng, chúng ta cần có giải pháp thực tế hơn. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, giảm lãi hay giãn nợ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của ngân hàng.
Cần phải tính toán, cân đối tỷ lệ hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào, với tiêu chí rõ ràng thì mới áp dụng vào thực tiễn.
Còn theo ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), gói giải cứu này không nên giới hạn vào từng loại hình, khu vực hay điều kiện.
“Khi khó khăn diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh thì vấn đề của doanh nghiệp này sẽ dẫn đến vấn đề của doanh nghiệp khác. Tôi cho rằng, doanh nghiệp nào có nhu cầu thì có thể tiếp cận chứ giới hạn hay bắt doanh nghiệp phải chứng minh, thuyết phục về thiệt hại rồi mới được gỡ thì khó. Khi chứng minh được thì có khi doanh nghiệp không tồn tại nữa, hay cơ hội sản xuất kinh doanh cũng qua đi.
Chính phủ nên mở rộng ra cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp sở hữu nhà nước, tư nhân, nhỏ và siêu nhỏ, ở tất cả các ngành, không giới hạn. Đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì các tổ chức tín dụng nên có giải pháp tiếp cận tín dụng cởi mở, đặc thù hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.
T.Nguyên