Đồ chơi trẻ em “nhập lậu” ngày càng gia tăng, có diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, những ngày gần đây đơn vị này đã tiến hành kiểm tra 203 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố và các huyện. Qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện, xử lý 95 trường hợp vi phạm về buôn bán hàng lậu, hàng giả… Trong đó có các vụ liên quan đến kinh doanh đồ chơi bạo lực là súng, kiếm nhựa…
Cụ thể, mới đây nhất Đội QLTT số 5 đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn huyện Bình Gia đã phát hiện tại một cơ sở chuyên kinh doanh đồ chơi bạo lực. Theo đó, lực lượng chức năng đã thu giữ và buộc tiêu hủy hơn 100 khẩu súng đồ chơi.
Không chỉ có tại Lạng Sơn, Hà Nội cũng là địa bàn nóng về kinh doanh đồ chơi nguy hiểm không rõ nguồn gốc. Trước đó, Đội QLTT số 21 đã phối hợp với Công an xã Hữu Bằng (Công an huyện Thạch Thất) kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồ chơi ở thôn Đông, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, phát hiện 85 khẩu súng bắn đạn nhựa, 2,3 kg đạn nhựa, 40 loại đồ chơi nguy hiểm khác như: súng bắn nước, kiếm nhựa, cung tên nhựa, súng nhựa phát quang, súng nén khí, súng bắn nước không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhận định về loại hình đồ chơi này, Tổng Cục QLTT cho hay, việc sử dụng các đồ chơi bạo lực có thể ảnh hưởng tới tâm, sinh lý của trẻ nhỏ. Đối với một số trường hợp, việc này còn có thể hình thành nhân cách theo hướng tiêu cực, ảnh hưởng tới tính cách của trẻ về lâu dài như: tính hung dữ, bạo lực…
Sử dụng đồ chơi bạo lực từ sớm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực học đường. Ngoài ra, những loại đồ chơi bằng nhựa có thể chứa các chất độc hại, tiếp xúc quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Do đó, bên cạnh các biện pháp của lực lượng chức năng, các phụ huynh cần lựa chọn các loại đồ chơi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. Qua đó, giúp trẻ em có thể phát triển trí tuệ, tư duy trong một môi trường lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách tốt cho trẻ.
Phan Chinh