Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Vũ Hồng Thanh cho rằng nội dung các Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Nhà; Luật Kinh doanh bất động sản đã đưa ra được những chính sách mới rất tiến bộ. Khi được tổ chức thực hiện sẽ khơi thông các điểm nghẽn, giúp phục hồi phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Từng luật đã có những điều khoản giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện chi tiết, đại biểu đề nghị việc triển khai hướng dẫn phải bảo đảm được các điều kiện không tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình thực hiện ở các địa phương.
Làm rõ thêm nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khoá XV, ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Lan nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ hiệu lực thực hiện các luật là hoàn toàn là chính đáng. Qua đó giải quyết những vấn đề vướng mắc, đặc biệt là trong công tác đầu tư công. Đại biểu đề nghị khi luật chính thức có hiệu lực, phải có sự cam kết thực hiện một cách đầy đủ. Ngoài ra việc xây dựng các văn bản chi tiết thực hiện luật cũng cần được nghiên cứu kỹ, đầy đủ và có tính khả thi khi triển khai.
Đối với dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu cho rằng Luật cần thực hiện đảm bảo nguyên tắc xây dựng văn bản, minh bạch, dễ thực hiện, rõ ràng. Trên thực tế thực hiện Luật Khoáng sản thời gian qua, rất nhiều các TTHC như: Cấp phép khai thác, phê duyệt dự án thăm dò khoáng sản, đánh giá công nhận trữ lượng khoáng sản… mất rất nhiều thời gian và bất cập ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Do đó Luật cần bảo đảm tinh thần cải cách thể chế và nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là phải tăng cường phân cấp phân quyền làm rõ chức năng nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức cá nhân trong bộ máy nhà nước và bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi dễ tiếp cận, dễ thực hiện.
Đại biểu cũng chỉ ra những điểm chưa phù hợp trong dự thảo Luật, như tại Điều 50 về quyền của tổ chức cá nhân được cấp phép thăm dò khoáng sản, quy định được bổ sung điều chỉnh phương pháp khối lượng hạng mục công việc thi công trong các phạm vi khu vực thăm dò theo diễn biến thực tế trong quá trình thi công, sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Theo đại biểu, quy định này cần nghiên cứu và nên bỏ quy định sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, vì việc tiếp tục xin ý kiến bổ sung hạng mục công việc thi công trong phạm vi khu vực thăm dò khai thác chế biến thực tế đã được cấp phép là không cần thiết.
Cho ý kiến vào dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương cho rằng tên gọi Luật khó tách bạch đô thị thuần túy và nông thôn. Đại biểu đề nghị khái niệm cần phải đưa ra cách tiếp cận vấn đề đô thị trong quy hoạch đô thị mở. Đại biểu cho rằng nếu luật điều chỉnh có thể có những đô thị mà liên tỉnh, kết hợp với nhau thành một vùng đô thị lớn. Tuy nhiên, theo cách tiếp cận hành chính như hiện nay thì nếu không có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh, không có một cơ chế quản trị sẽ rất khó thúc đẩy sự hợp tác giữa chính quyền các địa phương.
Trần Trang(t/h)