Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc.

Báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trong giai đoạn 2009 - 2023, Công an TP. Thanh Hóa luôn chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Về công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đơn vị thực hiện nghiêm túc nội dung các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phân công tuyến, địa bàn để tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông…

Tính từ ngày 1/7/2009 đến 31/12/2023, đơn vị đã phát hiện xử lý 95.355 trường hợp vi phạm, phạt tiền nộp Kho bạc Nhà nước: 66.719.785.000 đồng; tạm giữ: 32.746 phương tiện; tước giấy phép lái xe 12.705 trường hợp.

Từ thực tế, Công an TP. Thanh Hóa cho rằng, hiện nay nhiều quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn chưa được bổ sung, điều chỉnh kịp với tình hình thực tế hoặc khó vận dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác của các lực lượng làm nhiệm vụ.

Ví dụ như, chưa có quy định quy đổi về chỗ ngồi và giường nằm đối với xe chở khách nên nhiều xe chở khách có kích thước lớn vẫn được vào các tuyến đường cấm xe khách 30 chỗ; các quy định về tịch thu phương tiện để thanh lý còn nhiều rườm rà, khó thực hiện dẫn đến tồn đọng rất nhiều phương tiện vi phạm mà người vi phạm không đến giải quyết…

Công an TP. Thanh Hóa kiến nghị, Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo toàn diện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xem xét, thông qua Luật Đường bộ sửa đổi và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để triển khai thực hiện thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông để phù hợp với thực tiễn và thuận lợi cho các lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ…

Các đại biểu cho rằng, Công an TP. Thanh Hóa đã tổ chức triển khai thực hiện cơ bản tốt, đạt hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tất cả các mặt công tác. Nhờ đó, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, số người chết và bị thương luôn được kiềm chế; ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và đua xe trái phép, góp phần quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng “đô thị văn minh, công dân thân thiện” trên địa bàn Thành phố.

Một số ý kiến đề nghị, đơn vị làm rõ hơn thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, như lắp theo dõi hành trình, camera phạt nguội… Giải pháp nào để góp phần giải quyết tai nạn giao thông, xử lý “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông” trên địa bàn? Khi xảy ra tình huống thì công tác cứu nạn, cứu hộ giao thông được triển khai như thế nào? Công tác phối hợp giữa các lực lượng có liên quan có gì khó khăn, vướng mắc?

Ghi nhận các kết quả Công an TP. Thanh Hóa đạt được trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Công an TP. Thanh Hóa tăng cường thực hiện quyết liệt công tác xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Chủ động trong việc xây dựng các kế hoạch chuyên đề, các phương án, tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát…

An Nhiên