Ngày 19/5/2021, Thương hiệu và Công luận đăng tải bài viết “Đoan Hùng (Phú Thọ): Nước xuống đến đâu, đóng cọc, đổ bê tông lấn sông Lô tới đó”, phản ánh Công ty TNHH Hùng Long, Công ty TNHH Mạnh Anh Đức (xã Sóc Đăng, Đoan Hùng, Phú Thọ) ngang nhiên hoạt động khi hết hạn giấy phép bến thủy nội địa; tự ý lấp sông, gia cố bờ vở sông Lô, đổ cọc, bê tông để mở rộng mặt bằng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết, tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh, huyện chỉ đạo phòng ban chuyên môn, UBND xã Sóc Đăng kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu công ty dừng hoạt động bến thủy.
Công ty TNHH Mạnh Anh Đức được Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ cấp giấy phép bốc xếp hàng hóa số 09/GPBTNĐ ngày 23/3/2020, với diện tích hơn 3.000 m2, thời gian hoạt động từ 23/3/2020 đến ngày 26/12/2020. Công ty TNHH Hùng Long Phú Thọ được Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ cấp giấy phép bốc xếp hàng hóa số 26/GPBTNĐ ngày 23/3/2020, với diện tích hơn 4.000 m2, thời gian hoạt động từ 23/3/2020 đến ngày 26/12/2020.
Theo giấy phép được Sở Giao thông Vận tải cấp, các công ty này phải dừng hoạt động từ ngày 26/12/2020, thế nhưng hiện nay hoạt động tập kết, xây dựng vẫn rất rầm rộ. Vật liệu tập kết dàn trải, chất cao, lấn chiếm hành lang kè, tràn diện tích đất bãi, bờ sông; sát cạnh nhà dân gây bức xúc trong nhân dân.
Không chỉ hoạt động khi giấy phép hết hạn, công ty Hùng Long, công ty Mạnh Anh Đức tự ý đắp tôn cao nền bãi sông Lô, gia cố mặt bằng bãi bê tông bờ, vở sông khiến cho lòng sông bị thu hẹp, cản trở dòng chảy, uy hiếp sự an toàn của hành lang kè, đê điều.
Về công tác quản lý nhà nước cấp xã đối với hoạt động bến bãi của công ty Hùng Long, công ty Mạnh Anh Đức, Chủ tịch UBND xã Sóc Đăng Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Xã chỉ biết công ty gửi đơn xin gia cố bờ, vở sông đến Sở NNPTNT, đến nay việc được cấp phép hay chưa thì xã chưa nắm được. Chính quyền xã chưa xử lý vi phạm nào đối với hai công ty này”.
Trong khi đó, tài liệu phóng viên có được, công ty Mạnh Anh Đức thực hiện san gạt, đổ đất, xây dựng trước khi được Sở GTVT cấp phép và UBND xã Sóc Đăng đã phát hiện, kiểm tra, lập biên bản làm việc ngày 17/3/2020 (đến ngày 23/3/2020 mới được cấp phép hoạt động bến bãi) về việc san gạt mặt bằng lấn vào hành lang kè. Vấn đề đặt ra, UBND xã Sóc Đăng đã phát hiện hành vi vi phạm của công ty Hùng Long, Mạnh Anh Đức trong hoạt động bến bãi nhưng không kiên quyết xử lý. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền, xã Sóc Đăng không báo cáo gửi cơ quan liên quan có thẩm quyền để kịp thời vào cuộc, ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm.
Lãnh đạo huyện Đoan Hùng khẳng định, hiện nay, công ty TNHH Hùng Long, Mạnh Anh Đức đang trong quá trình làm hồ sơ xin gia cố bờ vở sông bốc xếp hàng hóa nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, hoạt động đắp tôn cao nền bãi sông Lô, gia cố mặt bằng bãi bê tông; bờ, vở sông gia cố bằng cọc thép và bê tông là sai phạm. Về trách nhiệm và hướng xử lý, huyện Đoan Hùng yêu cầu công ty dừng hoạt động bến bãi, báo cáo hiện trạng xây dựng gia cố bờ, vở sông gửi cấp có thẩm quyền liên quan vào cuộc kiểm tra, làm rõ và xử lý dứt điểm.
Qua tìm hiểu, ngày 17/3/2021, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn Phú Thọ Trần Quốc Bình ký các văn bản gửi đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND huyện Đoan Hùng theo chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành, địa phương cho ý kiến việc xin cấp phép gia cố bờ vở sông của 5 bến bãi bốc xếp hàng hóa tại xã Sóc Đăng, gồm: Công ty TNHH Mạnh Anh Đức, công ty TNHH Hùng Long Phú Thọ, công ty TNHH Cẩm Linh, công ty TNHH Hương Anh Đoan Hùng, công ty TNHH Thái Bình. Từ ý kiến tham gia, Sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn báo cáo UBND tỉnh tạo điều kiện cho các bến bãi được cấp phép theo quy định.
Cụ thể, trong văn bản số 362/SNN-CCTL do Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn Trần Quốc Bình ký ngày 17/3/2021, gửi đề nghị các đơn vị nêu trên thể hiện: “Hiện trạng tại vị trí xin cấp phép gia cố bờ, vở sông, công ty TNHH Hùng Long Phú Thọ đã đắp tôn cao nền bãi sông Lô (ngoài phạm vi đất được giao); gia cố mặt bãi bê tông; bờ, vở sông gia cố bằng cọc thép và bê tông (điểm xa nhất phạm vi đã gia cố cách phạm vi đất được giao khoảng 65m)”.
Theo văn bản số 362, công ty Hùng Long đã thực hiện xây dựng, gia cố bờ vở sông trước, rồi mới làm hồ sơ xin cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cho thấy công ty Hùng Long ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật; việc làm hồ sơ xin cấp phép không khác nào “hợp thức hóa” cho vi phạm bến bãi, đê điều. Càng thấy rõ hơn, sự buông lỏng công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, thậm chí "làm ngơ" cho vi phạm tồn tại.
Việc bến bãi mở ra tràn lan sẽ đem lại nhiều hệ lụy khôn lường. Đặc biệt, tại đoạn sông Lô thuộc xã Sóc Đăng, có quá nhiều bến bãi làm đơn gửi cơ quan chức năng xin cấp phép gia cố, bờ vở sông, để hoạt động bến bãi. Việc cấp phép xây dựng bến thủy nội địa, cấp phép gia cố bờ vở sông của công ty TNHH Hùng Long, công ty Mạnh Anh Đức liệu có cần thiết, phù hợp? Trước khi thi công xây dựng, gia cố bờ, vở sông công ty Hùng Long đã lập phương án điều tiết đảm bảo an toàn giao thông và được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chấp thuận chưa? Theo chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước, trách nhiệm xử lý vi phạm hoạt động bến bãi, đê điều đối với công ty Hùng Long, Mạnh Anh Đức được xử lý như nào? Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ kiểm tra làm rõ.
Hoan Nguyễn