Đoạn Quốc lộ 3 trạm thu phí... xuống cấp trầm trọng.

Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường Quốc lộ 51 nói trên nối hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, có tổng chiều dài khoảng 72 km nhưng lại đặt đến 3 trạm thu phí. Trong đó trạm thu phí T2 chỉ cách trạm thu phí T1 chưa tới 17 km (trạm thu phí T1 đặt tại Km 11, trạm thu phí T2 đặt tại Km 28, còn vị trí trạm thu phí T3 là Km 65).

Đoạn Quốc lộ dài 72km xuống cấp trầm trọng với 3 trạm thu phí - Hình 1

Một 1 trong 3 Trạm thu phí trên Quốc lộ 51

Tuyến đường này do Công ty cổ phần đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Đáng chú ý, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, dù xuống cấp trầm trọng nhưng chủ đầu tư tuyến đường vẫn chưa một lần thực hiện việc tu sửa, nâng cấp. Điều này khiến dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Chủ đầu tư dự án đặt đến 3 trạm thu phí chỉ trong 65 km để “tận thu” làm gì, khi đường đã xuống cấp trầm trọng?

Trao đổi với phóng viên, một người dân địa phương cho biết: “Nhà tôi ở trên đoạn Quốc lộ 51, hàng ngày trên tuyến đường này người qua lại rất đông, nhưng đường thì xuống cấp nghiêm trọng, ổ gà ổ voi đầy rẫy. Giờ tan tầm ở đây, khi công nhân các khu công nghiệp ra về thì đường rất khó di chuyển, dễ tai nạn. Ngoài ra còn cảnh bụi bặm, ô nhiễm môi trường nữa.”

Còn anh V.V.T (một tài xế container, ngụ TP. HCM) thì bức xúc: “Vì công việc nên hầu như cuối tuần nào tôi cũng phải về Vũng Tàu, di chuyển trên đoạn đường này. Nhưng quả thực phải nói đường cực kỳ xấu, gây hại cho xe.

Đoạn Quốc lộ dài 72km xuống cấp trầm trọng với 3 trạm thu phí - Hình 2

Con đường bị hư hỏng nặng, nhiều bụi bẩn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông

Theo người dân địa phương, thời gian qua, trên tuyến QL51, nhất là tại các đầu vào trạm soát vé liên tục xảy ra kẹt xe, do lượng xe ra vào các khu công nghiệp, xe tải nặng, xe container đông. Tình hình kẹt xe diễn biến ngày một phức tạp với cường độ cao, người dân mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương di dời bớt trạm thu phí để giải quyết tình trạng này. Nhất là giảm bớt trạm thu phí, vì số trạm thu phí trên tuyến quá dày.

Đã từng phát hiện nhiều sai phạm trong đầu tư

Năm 2016, trong kết luận thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ một loạt sai phạm tại dự án Quốc lộ 51 do Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư, như: hợp đồng BOT được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT với BVEC là không đúng quy định của Nhà nước tại khoản 1, Điều 2, Nghị định 78/2007/NĐ-CP.

Đoạn Quốc lộ dài 72km xuống cấp trầm trọng với 3 trạm thu phí - Hình 3

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về những sai phạm của BVEC.

Một loạt sai phạm trong giao thầu hợp đồng BOT như tính toán khối lượng chưa chính xác; lập dự toán xây dựng công trình chưa đúng quy định và một số sai sót khác làm tăng giá trị dự toán số tiền 40,015 tỷ đồng. Trong đó, BVEC đưa ra phương án vận chuyển vật liệu cấp phối đá dăm từ các mỏ đá thuộc tỉnh Đồng Nai để thi công cho đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa hợp lý, làm tăng giá gói thầu 24,126 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu BVEC "giảm vốn đầu tư dự án 37 tỷ, không được tính vào phương án tài chính của dự án hơn 48 tỷ, thu hồi 23 tỷ đồng, giảm trừ hơn 2 tỷ đồng". Đồng thời nhà đầu tư cần làm rõ tình hình và tiến độ huy động vốn góp của chủ sở hữu, vốn vay đầy đủ theo đúng tỷ lệ cam kết. Mức vốn điều lệ hơn 307 tỷ đồng theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của BVEC chưa đảm bảo đủ 10% vốn chủ sở hữu tham gia dự án. Cũng vì con số tổng mức đầu tư chưa thống nhất, nên theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư chưa có cơ sở để xem xét điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án theo đề nghị của nhà đầu tư.

BVEC là doanh nghiệp dự án nhưng không thành lập Ban quản lý dự án là không đúng quy định tại khoản 2, Điều 33, Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và quy định trong hợp đồng BOT; hàng năm không lập dự toán chi phí quản lý dự án nhưng vẫn trích kinh phí từ nguồn đầu tư để làm chi phí quản lý.

Trong công tác quản lý chất lượng thi công công trình, kết luận thanh tra nêu rõ, kết quả kiểm định lớp bê tông nhựa của tư vấn độc lập tại gói thầu số 4, từ 45% đến 60% thành phần hạt không đạt yêu cầu, từ 38% đến 90% hàm lượng nhựa không đạt yêu cầu. Từ đó dẫn đến chất lượng mặt đường không đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật.

Chiều dày lớp bù vênh bằng vật liệu bê tông nhựa thực tế mỏng hơn chiều dày thiết kế từ 44% đến 63% (tại gói thầu 02,07 và 14). Do đó, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu đã nghiệm thu sai làm tăng 16,196 tỷ đồng. Công tác nghiệp thu còn thanh toán sai số tiền 9,456 tỷ đồng tại một số gói thầu do khai tăng khối lượng, áp đơn giá sai và một số nguyên tắc khác.

Tỉnh Đồng Nai từng kiến nghị xóa bớt trạm BOT

UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 5781/UNDN-ĐT do Phó Chủ tich UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng ký, gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị xử lý một số những bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án BOT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đoạn Quốc lộ dài 72km xuống cấp trầm trọng với 3 trạm thu phí - Hình 4

Kiến nghị về những bất cập liên quan đến tram thu giá dịch vụ đường bộ trên QL51 của UBND tỉnh Đồng Nai.

Theo nội dung văn bản, sau khi rà soát, UBDN tỉnh Đồng Nai kiến nghị, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, điều chỉnh lại vị trí các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên tuyến QL51 cho phù hợp.

Cụ thể, Dự án nâng cấp, mở rộng QL51 theo hình thức BOT được vận hành 03 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho dự án là trạm T1 tại Km11, trạm T2 tại Km28 và trạm T3 tại Km65. Trong đó trạm T2 là trạm kiểm soát vé của trạm T1 và T3. Tại đây, phương tiện lưu thông từ đầu dự án đến cuối dự án sẽ phải mua giá sử dụng dịch vụ đường bộ hai lần tại trạm T1 và T3.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh hệ thống trạm trên dự án BOT QL51 để các phương tiện đi qua tuyến đường chỉ phải mua vé sử dụng đường bộ một lần, tránh 2-3 lần (làm mất vé phải mua 3 lần) như hiện nay.

Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 có chiều dài 72,7 km được đầu tư mở rộng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) có tổng mức đầu tư 3.312 tỷ đồng do Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào tháng 8/2009 đến năm 2012 đã cơ bản hoàn thành với tuyến đường có chiều rộng 32,9 m gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, tốc độ thiết kế 80km/h và đưa vào thu phí.

Cao Diên - Hải Dương