Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về các kết quả đạt được của Năm APEC 2017, những cơ hội và cả những thách thức mà Chính phủ phải thực thi trong thời gian tới để khẳng định vị thế của Việt Nam; vấn đề tuyển chọn và sử dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: "Kết thúc Hội nghị APEC 2017 vào giữa tháng 11 này, hầu hết các quốc gia trên thế giới đánh giá rất cao vai trò chủ nhà của Việt Nam. Xin Thủ tướng cho biết những kết quả đạt được quan trọng, những cơ hội và cả những thách thức mà Chính phủ phải thực thi trong thời gian tới để khẳng định vị thế của Việt Nam?".
Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Năm APEC 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao đã thành công tốt đẹp, nâng cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp.
Với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam đã không chỉ dẫn APEC tiếp tục duy trì đà hợp tác và những giá trị cốt lõi của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư mà còn đề xuất và được các thành viên thông qua 9 sáng kiến, qua đó góp phần quan trọng định hình hợp tác của APEC trong tương lai. Chúng ta đã thành công trong việc điều hòa những khác biệt lớn trong lập trường của các thành viên APEC để đi đến đồng thuận chung về nhiều vấn đề quan trọng của hợp tác APEC.
Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Sáng kiến của ta về tổ chức lần đầu tiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo của 10 nước ASEAN đã đề cao vai trò trung tâm của ASEAN đúng dịp 50 năm thành lập và vai trò của APEC trong điều phối các cơ chế liên kết kinh tế khu vực. Qua việc chúng ta đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà, dẫn dắt và điều phối các hoạt động của APEC, các đối tác thực sự đánh giá cao, tin tưởng vào vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Có thể nói với thành công của Năm APEC 2017, chúng ta đã triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XII của Đảng về “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương”, Việt Nam là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Thành công của Năm APEC 2017 là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; vị thế và sức mạnh mềm của đất nước đang được nâng cao; sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, có đủ thời gian; sự chung sức đồng lòng của các bộ, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân trong 3 năm qua về nội dung, lễ tân, hậu cần, thông tin, tuyên truyền, an ninh, y tế....
Để phát huy, tăng thêm hiệu ứng lan tỏa của Năm APEC 2017 thành công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thúc đẩy triển khai các kết quả, sáng kiến của Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao, nhất là các sáng kiến do Việt Nam đề xuất. Trong đó cần chú trọng 8 lĩnh vực: (1) Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; (2) Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; (3) Tăng cường an ninh lương thực ứng phó biến đổi khí hậu; (4) Phát triển nông thôn - đô thị; (5) Phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; (6) Tạo thuận lợi cho thương mại điện tử qua biên giới, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng; (7) Phát triển công nghiệp hỗ trợ; (8) Phát triển du lịch bền vững.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, nhất là việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Tranh thủ hiệu quả hơn nữa các sự kiện, hoạt động đa phương để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các đối tác quan trọng của ta và huy động các nguồn lực phục vụ cho phát triển đất nước.
Để nâng tầm đối ngoại đa phương, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ song phương, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổng kết kinh nghiệm 20 năm tham gia APEC, hơn 20 năm tham gia ASEAN, ASEM, 40 năm tham gia Liên Hợp quốc, 10 năm gia nhập WTO và xây dựng chiến lược đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế, trong tham gia và phát huy sáng kiến tại các cơ chế đa phương liên quan, trong đó có Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, xứng đáng là động lực quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Hoan Nguyễn