Ngày 10/10 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PV Oil) cùng Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch lộ trình phân phối xăng E5 Ron 92 trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ 1/11, 100% các cửa hàng xăng dầu ở Đà Nẵng sẽ tham gia phân phối xăng sinh học E5 thay thế hoàn toàn xăng Ron 92, lưu hành song song cùng xăng khoáng Ron 95. Thế nhưng, qua kiểm tra của Sở Công Thương, đến nay, mới chỉ có 45/90 cửa hàng có triển khai bán xăng E5, đạt 50% kế hoạch. Đâu là nguyên nhân của sự triển khai chưa đồng bộ này?
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc CN PV Oil Miền Trung tại Đà Nẵng cho hay, thực hiện chủ trương của tập đoàn, 100% các cửa hàng của PV Oil đều đã chuyển xăng bán xăng E5. PV Oil cam kết mua lại lượng xăng Ron 92 còn tồn tại các kho với điều kiện lượng xăng này được nhâp trước tháng 10/2014, trợ giá, hỗ trợ quảng cáo và đảm bảo đủ nguồn xăng cung cấp cho thị trường.
Theo kế hoạch sản xuất và xuất bán xăng E5 Ron 92 của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), công ty này đã hoàn thành hệ thống công nghệ pha trộn xăng E5 Ron 92 trực tuyến đảm bảo độ chính xác và kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Công suất tối đa hệ thống công nghệ pha trộn xăng E5 Ron 92 của BSR dự kiến đủ cung cấp xăng E5 cho cả khu vực miền Trung. BSR cũng dự kiến nhu cầu xăng E5 trong tháng 10/2014 khoảng 8.000 – 10.000m3 và từ tháng 11/2014 là 12.000 – 14.000m3/tháng.
Tuy vậy, theo kết quả sơ bộ đợt kiểm tra của Sở Công Thương vừa qua, hầu hết các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu lại phản ánh PV Oil chưa có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ cho DN súc rửa, cải hoán kho bồn để chứa xăng E5. Trong hoạt động truyền thông, PV Oil và BSR đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình nhưng lại thiếu các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại các điểm bán xăng. Nhiều điểm tự làm băng rôn, treo biển bán xăng E5 mà không có sự hỗ trợ của phía PV Oil, BSR. Đến khi cửa hàng nhắc nhở, ngày 29/10 các đơn vị này mới cử người đến phát tờ rơi.
Được biết, PV Oil có một trạm trộn xăng E5 tại quận Liên Chiểu nhưng vẫn chưa đảm bảo cung ứng xăng kịp thời cho các điểm bán xăng. Các đại lý kinh doanh xăng dầu phản ánh, nếu trước đây chỉ sau 2 giờ gọi, xe bồn đã chở xăng đến nhập, thì nay phải mất từ 1 – 2 ngày mới nhập được xăng. Tình hình hiện nay có cải thiện nhưng chưa đáng kể. Mặt khác, việc nhập xăng E5 từ Bình Sơn về Đà Nẵng phải đội thêm chi phí vận tải, trong khi việc trợ giá chưa có đơn giá cụ thể. Mức trợ giá 350đ/lít so với giá thông thường không đủ để bù cho các chi phí vận tải, tuyên truyền, súc rửa, hoán cải bồn…
Bà Hoàng Thị Bích Hoa, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu khu vực 5 cho biết, công ty có 26 cửa hàng và 1 tàu dầu, đến nay đã triển khai bán xăng E5 ở 8 cửa hàng ở nội thành. Theo bà Hoa, việc chuyển đổi sang bán một sản phẩm mới cần phải có quá trình, trước tiên phải được người tiêu dùng tin tưởng và chấp nhận. Chính vì vậy, ở góc độ nhà kinh doanh phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và có lợi nhuận. Nhưng từ khi Đà Nẵng triển khai bán xăng E5 đến nay thì nhu cầu xăng A95 tăng vọt. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ A92 vẫn có và công ty lại đang còn tồn tại hàng chục ngàn m3 xăng A92 nên công ty vẫn bán song hàng các loại xăng này. Bà Hoa nhấn mạnh, mức trợ giá 350đ/lít là quá thấp. Chỉ riêng chi phí vận tải hiện nay đã chiếm 200đ/lít, còn lại 150 đ/lít chưa đủ để chia cho cửa hàng, đại lý, chưa kể các chi phí cần thiết khác của công ty. Với mặt hàng xăng E5 hầu như công ty không có lãi.
Quan sát một điểm bán xăng trên đường Nguyễn Hữu Thọ, chúng tôi nhận thấy, khoảng 10 lượt xe máy vào đổ xăng thì có 4 người chọn mua xăng A95. Qua trao đổi, những vị khách này cho biết, có biết về xăng E5 nhưng đã quen dùng xăng 95 rồi, dù có đắt hơn chút đỉnh cũng không quan tâm lắm.
Ông Đoàn Ngọc Minh, Phó trưởng phòng Phòng QLTT Sở Công Thương Đà Nẵng, ông Minh cho hay, ở góc độ quản lý nhà nước Sở triển khai thực hiện lộ trình phân phối xăng E5 theo đúng chủ trương của Chính phủ và đúng quy định pháp luật. Sở Công Thương định hướng, vận động người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm tốt, có lợi cho môi trường, nhưng việc lựa chọn loại xăng nào tiện lợi, tiết kiệm, hiệu quả lại là quyền của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng luôn giám sát để xử phạt những hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh xăng.
Sử dụng xăng E5 có lợi cho môi trường nhưng vì sao người tiêu dùng vẫn còn thờ ơ. Mặc dù Đà Nẵng đã triển khai sớm trước 1 tháng nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được đồng bộ như mong đợi, phải chăng do giải quyết quyền lợi chưa thỏa đáng, các bên chưa tìm được tiếng nói chung và phương pháp tuyên truyền chưa tập trung, chính xác, nhất là tuyên truyền trực tiếp tại các điểm bán xăng?!
Thu Hằng